Mới đây, nhiều công ty thép thông báo điều chỉnh tăng giá bán mặt hàng thép lần thứ 2 liên tiếp. Theo đó, thép Việt Đức, Hòa Phát, Việt Ý, Pomina... đồng loạt tăng giá trên toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây ở mức trung bình 200.000-400.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT).
Ở lần điều chỉnh này, thép Việt Nhật là thương hiệu có mức tăng mạnh nhất tới 710.000 đồng/tấn với hai loại thép thanh vằn D10 CB300 và CB240 đều lên 15,58 triệu đồng/tấn.
Tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh tăng 210.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại thép này lần lượt là 15,15 triệu đồng/tấn và 15,23 triệu đồng/tấn.
Tại khu vực miền Nam, Hòa Phát điều chỉnh tăng thép thanh vằn D10 CB300 và thép cuộn CB240 ở mức 210.000-410.000 đồng/tấn lên 15,12 triệu đồng/tấn và 15,17 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thép Việt Ý điều chỉnh tăng 200.000 đồng/tấn với hai loại thép CB240 và D10 CB300 lên 15,1 triệu đồng/tấn và 15,2 triệu đồng/tấn. Thép Việt Đức cũng điều chỉnh tăng 200.000 đồng/tấn lên 14,9 triệu đồng/tấn và 15,1 triệu đồng/tấn với 2 loại thép trên.
Như vậy, đây là lần tăng thứ hai liên tiếp của giá thép từ đầu năm đến nay. Tổng mức tăng sau hai lần điều chỉnh khoảng trên dưới 1 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, chủng loại.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thành phẩm năm 2022 đạt 29,339 triệu tấn, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu đạt 6,28 triệu tấn, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh thị trường chưa có nhiều thay đổi, triển vọng ngành thép trong năm 2023 được dự báo tiếp tục khó khăn, đặc biệt trong nửa đầu năm. Các chuyên gia của Công ty chứng khoán VNDirect đánh giá các nhà sản xuất thép trong nước đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như nhu cầu xây dựng toàn cầu giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng và dư thừa nguồn cung từ cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, triển vọng trong năm 2023 của ngành này cũng bị đè nặng bởi sự ảm đảm của thị trường bất động sản dân cư.
Các chuyên gia cho rằng hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong những tháng tới, trước khi tình hình được cải thiện trong nửa cuối năm 2023. Kỳ vọng này đến từ việc giá nguyên liệu đầu vào giảm, trong khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy nhu cầu thép toàn cầu phục hồi.