Nhiều thương hiệu thép trong nước đồng loạt giảm sốc
Cụ thể, giá thép hôm nay ghi nhận giảm sâu nhất trong đợt điều chỉnh này là thép Việt Sing: hiện thép cuộn CB240 ghi nhận mức giảm sâu nhất với 810.000 đồng, xuống mức 14.51 triệu/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.82 triệu/tấn.
Trong khi đó, thép Việt Nhật giảm 510,000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và giảm 400,000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại thép này lần lượt là 14.51 triệu đồng/tấn và 14.82 triệu đồng/tấn.
Về thép Việt Đức, hai loại thép trên giảm lần lượt 560,000 đồng/tấn và 670,000 đồng/tấn xuống 14.56 triệu đồng/tấn và 14.96 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, thép Kyoei và Thép Miền Nam giữ nguyên giá bán thép. Chỉ riêng Pomina tăng giá bán thép cuộn CB240 200,000 đồng/tấn lên 15.83 triệu đồng/tấn, trong khi giá bán thép D10 CB300 giảm 400,000 đồng/tấn xuống 15.94 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu thép Hòa Phát cũng điều chỉnh giảm với dòng thép cuộn CB240 giảm 510.000 đồng, xuống mức 14.71 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 200.000 đồng, có giá 15.100 đồng/kg.
Đây là phiên giảm giá thứ hai của thép trong nước từ đầu tháng 10.
Thép thế giới cũng hạ nhiệt
Giá thép hôm nay cũng ghi nhận thị trường thép thế giới hạ nhiệt, giá thép giao tháng 1/2023 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 94 nhân dân tệ xuống mức 3.725 nhân dân tệ/tấn.
Giá thép giao kỳ hạn tháng 5/2023 trên Sàn giao dịch Thượng Hải hôm nay giảm 71 nhân dân tệ, xuống mức 3.636 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt trên Sàn giao dịch Đại Liên (DCE) giảm từ mức cao nhất trong hai tháng được ghi nhận trước đó. Nguyên nhân là do nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc tăng cường các nỗ lực hạn chế Covid-19 để ngăn chặn làn sóng bùng phát mới.
Theo đó, giá quặng sắt giao tháng 1/2023 trên Sàn DCE đã chốt phiên thấp hơn 2,5% ở mức 721 nhân dân tệ/tấn (tương đương 100,29 USD/tấn), sau 5 phiên tăng liên tiếp.
Tương tự, giá quặng sắt giao tháng 11/2022 trên Sàn giao dịch Singapore (SGX) giảm 2,6% xuống mức 94,45 USD/tấn trong cùng ngày.
Thị trường đang chờ đợi tín hiệu tích cực trong quý IV
Đánh giá về thị trường thép trong nước từ nay đến cuối năm, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) thị trường thép đang chờ đợi những tín hiệu tích cực trong quý IV bởi theo thông lệ đây là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy mạnh tiến độ.
Tuy nhiên, VSA cũng đánh giá, việc nhu cầu quý IV có thể tăng hay không vẫn còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho vẫn còn cao, các nhà sản xuất cần thời gian để xử lý.
Giá thép xây dựng giảm trước đó giúp các nhà đầu các công trình đầu tư công dễ dàng tiếp cận hơn. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân đầu tư công hiện nay vẫn còn khá chậm. Theo Bộ Tài chính, trong 8 tháng đầu năm tiến độ giải ngân đầu tư công đạt khoảng 35% kế hoạch năm 2022.
Bên cạnh đó, nhu cầu của thế giới vẫn đang ở mức thấp nên dù châu Âu và Trung Quốc có đang giảm sản lượng thì Việt Nam cũng chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.