Cụ thể, giá quặng sắt tại Trung Quốc đang chịu áp lực giảm khi nhiều nhà máy sản xuất thép tại nước này phải ngưng hoạt động vì thiếu điện. Bên cạnh đó, lượng tồn trữ quặng sắt nhập khẩu tại nước này cũng chạm mức cao nhất trong 3 tháng trở lại đây.
Tuần qua, dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt nhập khẩu tại khu vực phía Bắc Trung Quốc trong đã giảm mạnh 4,2% xuống còn 100,19 USD/tấn. Mức giá này thường được sử dụng làm giá tham chiếu cho các hợp đồng quặng sắt trên thị trường giao ngay tại Trung Quốc và châu Á.
Trên thị trường giao sau, giá quặng sắt giao tháng 1/2023 tại Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) cũng giảm 4,4% xuống 683,5 Nhân dân tệ (100,87 USD)/tấn – mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7 đến nay.
Trung Quốc đang đối mặt với đợt nắng nóng tồi tệ nhất kể từ năm 1961, với nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ C tại hơn 100 thành phố. Nhiều đoạn sông Dương Tử, dòng sông dài nhất Trung Quốc, trở nên cạn kiệt và hơn 70 thành phố ghi nhận tình trạng hạn hán. Nắng nóng khiến Trung Quốc phải phân bổ nguồn điện đến các lĩnh vực sản xuất. Trong ngành thép, gần 20 nhà máy đang phải ngừng hoạt động do thiếu điện.
Tồn kho quặng tại các cảng ở Trung Quốc đến này 12/8 là 138,6 triệu tấn, mức cao nhất 3 tuần. Tồn kho cao cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá quặng sắt, khiến giá mặt hàng này giảm.
Về kim loại màu, giá bạc giảm 1,9% xuống còn 4.352 nhân dân tệ/tấn (639 USD/tấn), thấp nhất trong 2 tuần qua. Giá đồng hạ 0,2% xuống còn 62.350 nhân dân tệ/tấn (9.159 USD/tấn). Còn giá nhôm tăng 0,6% lên 18.600 nhân dân tệ/tấn (2.740 USD/tấn).
Giá thép trong nước hôm nay tiếp tục đi ngang sau khi giảm đến 510.000 đồng/tấn vào chiều 15/8. Đợt điều chỉnh này là lần giảm giá thứ 14 liên tiếp từ ngày 11/5 với tổng mức giảm 3,5-5 triệu đồng. Giá thép trong nước hiện dao động quanh 14-16 triệu đồng/tấn, tùy chủng loại, thương hiệu và vùng miền.
Tại miền Bắc, thép Hòa Phát sau khi điều chỉnh giảm 310 đồng vào ngày 16/8, 2 dòng sản phẩm của hãng gồm dòng thép cuộn CB240 hiện ở mức 14.570 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.430 đồng/kg.
Thương hiệu thép Việt Ý ngừng hạ giá, hiện thép cuộn CB240 ở mức 14.440 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.150 đồng/kg.
Thép Việt Đức, hiện dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.440 đồng/kg; còn thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.100 đồng/kg.
Thương hiệu thép VAS sau 4 lần điều chỉnh trong vòng 30 ngày qua hiện thép cuộn CB240 giữ nguyên ở mức 14.240 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.590 đồng/kg.
Tương tự, thép Việt Sing không có điều chỉnh so với ngày hôm qua, với thép cuộn CB240 có giá 14.470 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 14.980 đồng/kg.
Thép Việt Nhật, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.440 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.950 đồng/kg.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, tháng 7, sản xuất thép thành phẩm đạt hơn 2,25 triệu tấn, giảm 6,2% so với tháng trước và giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng thép các loại đạt 1,99 triệu tấn, giảm gần 11,5% so với tháng trước và giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nguyên liệu giảm, nhu cầu đi xuống cùng với tồn kho tăng là các yếu tố góp phần kéo giá thép đi xuống trong thời gian vừa qua.