Cụ thể, giá thép thanh vằn tương lai tại Trung Quốc ngày 27/8 là 4.076 nhân dân tệ/tấn, giảm 13 tệ/tấn so với phiên trước đó.
Tuy nhiên mức giá này cũng đã tăng so với các phiên trước.
Giá thép cuộn cán nóng giao ngay cũng tăng 1,2% lên 3.972 nhân dân tệ/tấn (579 USD/tấn). Cuộn cán nguội cũng tăng 0,5% lên 4.406 nhân dân tệ/tấn (642 USD/tấn).
Giá thép có đà đi lên sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ngày 22/8 tiếp tục cắt giảm lãi suất, chỉ một tuần sau khi cơ quan này bất ngờ hạ lãi suất một số khoản vay trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Động thái mới nhất của PBoC nhằm mục tiêu hồi sinh nhu cầu tín dụng đồng thời hỗ trợ nền kinh tế hồi phục trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và thị trường bất động sản chìm sâu trong khủng hoảng nợ. Theo đó, PBoC cắt giảm lãi suất khoản vay kỳ hạn 5 năm từ 4,45% xuống 4,3% trong khi lãi suất khoản vay kỳ hạn 1 năm giảm từ 3,7% xuống 3,65%.
Giá quặng sắt ngày cũng đi lên. Theo Fastmarkets MB, giá quặng 62% Fe nhập khẩu vào miền Bắc, Trung Quốc là 102,2 USD/tấn, tăng 1,8% so với ngày trước đó.
Nhận định chung về biến động thị trường thép thế giới thời gian gần đây, các chuyên gia cho rằngviệc cắt điện ở Tứ Xuyên của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hơn 70% các nhà máy thép của tỉnh này do họ phải tạm ngừng sản xuất hoặc giảm công suất. Điều đó đang gây áp lực lên giá quặng sắt.
Ở Châu Âu, British Steel là một trong những công ty phải tăng giá bán thép do để bù đắp chi phí năng lượng cao. Mặc dù điều đó đã hiệu quả trong quá khứ do ngành xây dựng của Châu Âu phát triển mạnh mẽ, nhưng lần này sẽ là thách thức nhiều hơn khi nền kinh tế yếu hơn làm giảm triển vọng nhu cầu.
Tại Mỹ, ít nhất hai nhà máy thép đã bắt đầu tạm dừng một số hoạt động để cắt giảm chi phí năng lượng.
Giá thép trong nước hôm nay 27/8 tiếp tục ghi nhận giá thép trong nước giảm sâu đến 800.000 đồng/tấn. Đây là phiên giảm thứ 15 liên tiếp tính từ 11/5 đến nay.
Cụ thể, với lần điều chỉnh này, thép Pomina là thương hiệu có mức giảm mạnh nhất, hơn 800.000 đồng/tấn. Theo đó, thương hiệu này tại miền Trung giảm 100.000-810.000 đồng/tấn với thép CB240 và D10 CB300 về mức tương ứng 14,88 triệu đồng/tấn và 15,58 triệu đồng/tấn.
Thép miền Nam điều chỉnh giảm 400.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau khi giảm hai loại thép trên còn 14,72 triệu đồng/tấn và 15,33 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, thép Hòa Phát tại miền Bắc giảm 200.000 đồng và 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, xuống tương ứng 14,37 triệu đồng/tấn và 15,13 triệu đồng/tấn. Tại miền Nam, thương hiệu này điều chỉnh giảm 2 loại thép trên ở mức 200.000-350.000 đồng/tấn xuống còn 14,47 triệu/tấn và 14,98 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Đức miền Bắc, 2 loại thép giảm lần lượt 400.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn xuống còn 14,04 triệu đồng/tấn và 14,95 triệu đồng/tấn.
Với thép Kyoei, giá hôm nay là 14,64 triệu đồng/tấn và 15,25 triệu đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300 sau giảm lần lượt 60.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn.
Giá thép đã giảm 15 lần trong vòng hơn 100 ngày với tổng mức giảm 4-6 triệu đồng/tấn nhưng giới chuyên gia đang kỳ vọng triển vọng tiêu thụ sẽ tươi sáng hơn vào quý IV năm nay, khi nhu cầu thép của ngành xây dựng được cải thiện.
Hiệp hội thép Việt Nam nhận định, giá thép giảm có thể kéo dài đến hết quý III. Trong đó, những yếu tố khiến triển vọng thị trường thép nửa cuối năm không mấy khả quan bao gồm tốc độ giải ngân đầu tư công chậm, ngân hàng siết tín dụng bất động sản, thị trường Trung Quốc ảm đạm và mùa cao điểm xây dựng đã qua...
Ở một diễn biến khác, báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, thép xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt khi Mỹ nới lỏng hạn ngạch thuế quan, còn EU lại gia tăng biện pháp bảo hộ thương mại.
Cụ thể theo báo cáo này, từ đầu năm 2022, Mỹ đã nới lỏng hạn ngạch thuế quan đối với thép Nhật Bản, EU và Anh.
Ngoài ra, EU gia tăng biện pháp bảo hộ đối với thép mạ Việt Nam. Cụ thể từ 1/7/2022 đến 30/6/2024, tôn mạ kim loại (nhóm 4A) của Việt Nam được quản lý theo hạn ngạch.
Hạn ngạch miễn thuế của nhóm “các nước khác”, gồm Việt Nam là 1,8 triệu tấn cho giai đoạn 1/7/2022 đến 30/6/2023 và tăng 4% trong năm tiếp theo. Nếu vượt hạn ngạch, mức thuế nhập khẩu phải nộp cho phần vượt là 25%.
VDSC cho rằng các nhà sản xuất Việt Nam sẽ phải tăng xuất khẩu sang ASEAN, bù đắp cho nhu cầu châu Âu - Bắc Mỹ giảm nhưng biên lợi nhuận sẽ thấp hơn.
Dự kiến, nhu cầu thép phẳng dự kiến vẫn yếu trong vài quý tiếp theo. Giá HRC thời gian gần đây liên tục giảm nhưng giá tôn mạ trong nước không điều chỉnh nhiều nhờ có lực đỡ từ xuất khẩu.