Quý 3 ghi nhận sự khủng hoảng của ngành thép
Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, sản xuất thép quý 3/2022 đạt 6,68 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ 2021, giảm 18% so với quý trước. Tiêu thụ thép đạt 6,14 triệu tấn, giảm 12% so với quý trước, giảm 1% so với quý 3/2021.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 20,81 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 19,26 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021.
EVS Research cho rằng, sản xuất và tiêu thụ thép đang ở mức rất thấp, thậm chí ở mức thấp hơn so với quý 3/2021 – thời điểm nước ta đóng cửa đóng cửa vì dịch bệnh, các hoạt động xây dựng gần như đóng băng tại các thành phố lớn.
Theo EVS Research, ngành thép gặp khó trong quý 3 và trong 9 tháng đầu năm nay do ngành bất động sản bị ảnh hưởng, kể từ sau vụ Tân Hoàng Minh và thị trường trái phiếu bị siết chặt – đây là nguồn vốn quan trọng đối với các doanh nghiệp bất động sản trong một vài năm trở lại đây.
Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2022. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận của 8 doanh nghiệp thép lớn nhất đạt 59.274 tỉ đồng và âm 3.317 tỉ đồng, lần lượt giảm 19% và giảm 127% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, top 5 vốn hóa của ngành là Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG), Gang thép Thái Nguyên (TIS) và SMC đều báo lỗ. Kết quả u ám này cũng đã khiến ngành thép chiếm tới 50% trong bảng xếp hạng 10 doanh nghiệp niêm yết lỗ nặng nhất quý 3/2022.
Kỳ vọng phục hồi trong quý 4?
Trong quý 4/2022, EVS Research kỳ vọng, mặc dù giá thép đã giảm về vùng thấp nhưng sẽ có thể duy trì ở mức này khi nhu cầu tiêu thụ thép cao phục vụ cho mùa xây dựng cuối năm.
Bên cạnh đó, giá vốn quý 4 có thể ghi nhận ở mức thấp nhờ chi phí than cốc và quặng sắt thấp hơn, do giá hai nguyên liệu này đã liên tục giảm từ quý 3/2022 đến nay.
Nhận định về những tháng cuối năm, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng trong quý 4/2022, doanh nghiệp ngành thép có thể phục hồi. Đại diện VSA nhận định theo thông lệ đây là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy mạnh tiến độ. Tuy nhiên, nhu cầu có tăng hay không vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao, cần thời gian để xử lý.
Hơn nữa, tốc độ giải ngân đầu tư công hiện nay vẫn còn khá chậm. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, trong 8 tháng năm 2022, tiến độ giải ngân đầu tư công mới đạt khoảng 35% kế hoạch năm.
Ngoài ra, nhu cầu của thế giới vẫn đang ở mức thấp nên dù châu Âu và Trung Quốc có đang giảm sản lượng thì Việt Nam cũng chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.
EVS Research cũng cho rằng sự phục hồi của ngành thép sẽ diễn ra vào quý 4/2022 bởi đây là thời điểm ngành xây dựng sẽ “vào mùa”. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng quyết định sự phục hồi trong dài hạn là sự phục hồi của ngành bất động sản.
Hiện thị trường bất động sản trong nước đang gặp khó khăn do dòng vốn trái phiếu đang bị siết chặt, kết hợp với Luật đất đai sửa đổi với nhiều thay đổi và việc chờ đợi những sửa đổi chính thức được ban hành có thể làm giảm tốc độ phê duyệt các dự án trong thời gian tới.
Chính vì thế, EVS Research nhận định “Trong ngắn hạn, ngành thép có thể phục hồi nhẹ vào quý 4. Tuy nhiên, xét về dài hạn, ngành thép trong nước vẫn gặp khó khăn”.
Các chuyên gia thuộc Công ty Chứng khoán VCBS cũng đưa ra kỳ vọng, nguồn vốn kế hoạch giải ngân trong năm 2022 và 2023 còn lại rất nhiều sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy xây dựng các dự án hạ tầng cũng như nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng.
Giá thép trong nước đi ngang từ 12/10
Giá thép trong nước ghi nhận không có biến động từ sau phiên giảm ngày 12/10.
Tại miền Bắc, giá thép hôm nay 7/11 ghi nhận thép Hòa Phát với dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.500 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.600 đồng/kg.
Thương hiệu thép Việt Ý, hiện thép cuộn CB240 ở mức 14.510 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.720 đồng/kg.
Thép Việt Đức, hiện dòng thép cuộn CB240 giữ nguyên ở mức 14.350 đồng/kg; còn thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.660 đồng/kg.
Thép Việt Sing, hiện thép cuộn CB240 ở mức 14.310 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.510 đồng/kg.
Thép Việt Nhật điều chỉnh giảm giá, với dòng thép cuộn CB240 giảm 200 đồng, có giá 14.310 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 14.510 đồng/kg.
Tại miền Trung, thép Hòa Phát, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.310 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.820 đồng/kg.
Thép Việt Đức, hiện dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.620 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.020 đồng/kg.
Thép Việt Mỹ (VAS), với thép cuộn CB240 ở mức 14.260 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.360 đồng/kg.
Thép Pomina, hiện dòng thép cuộn CB240 ở mức 15.730 đồng/kg; tuy nhiên, dòng thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.940 đồng/kg.
Tại miền Nam, thép Việt Mỹ (VAS), dòng thép cuộn CB240 giảm 100 đồng xuống mức 14.310 đồng/kg; còn với thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.410 đồng/kg - giảm 310 đồng.
Thép Hòa Phát, dòng thép cuộn CB240 còn ở mức 14.360 đồng/kg; trong khi đó, thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.570 đồng/kg.
Thép Pomina, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 15.580 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.680 đồng/kg.