Trao đổi với Zing, ông Đỗ Đông Hướng, Trưởng phòng Quản lý giá, Sở Tài chính TP.HCM cho biết trong bối cảnh giá heo hơi có xu hướng giảm mạnh sau thời gian giữ ổn định từ dịp Tết Nguyên đán, Sở đã có văn bản yêu cầu điều chỉnh giá bán mặt hàng này đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn.
Tại thời điểm xét duyệt giá gần nhất (ngày 18/7/2022), giá heo hơi Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam là 60.000 đồng/kg. Hiện giá heo hơi của doanh nghiệp này là 52.000 đồng/kg, giảm 8.000 đồng/kg, tương đương mức giảm 13,3%.
Theo quy định, giá bán trên thị trường giảm làm cho giá của chương trình không bảo đảm tiêu chí thấp hơn thị trường ít nhất 5%, doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bình ổn, đăng ký với Sở Tài chính.
"Theo đó, từ ngày 18/3, các doanh nghiệp đã thực hiện điều chỉnh giá thịt heo theo bảng giá mới", ông nói.
Cụ thể, giá bán thịt heo của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (Sagri), Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), Công ty TNHH và Dịch vụ siêu thị Big C An Lạc, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam - CN 3 tại Đồng Nai, Công ty TNHH Feddy, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) điều chỉnh giảm 1.500-14.000 đồng/kg, tương đương 1,9-10,3%.
Đơn cử, thịt vai giảm từ 136.000 đồng/kg xuống còn 122.000 đồng/kg; thịt nạc vai, đùi giảm từ 165.000 đồng/kg xuống 153.000 đồng/kg; xương đuôi heo giảm từ 107.500 đồng/kg xuống còn 98.000 đồng/kg...
Giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi cao kỷ lục trong khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm mạnh khiến giá heo trong nước liên tục xuống thấp. Ngày 21/3, tại miền Bắc giá heo hơi ở mức dao động trong khoảng 48.000-50.000 đồng/kg.
Khảo sát của Zing, trong vòng một năm qua, từ mức đỉnh hơn 65.000 đồng/kg vào tháng 8-9/2022, heo hơi chỉ còn mức giá 46.000-51.000 đồng/kg, tùy địa phương. Hiện, giá mặt hàng này đã về mức đáy trong 12 tháng qua.
Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhìn nhận trong những năm qua, ngành chăn nuôi của Việt Nam đã và đang chịu thiệt hại nặng nề từ ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi (AFS), dịch bệnh Covid-19, xung đột Nga - Ukraine đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu trên toàn cầu, dẫn tới chi phí logistics tăng cao.
Giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi cao kỷ lục trong một thời gian dài, không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất chăn nuôi rất cao.
"Trong khi đó, nhu cầu của người dân giảm mạnh, cùng với sự giảm mạnh về nhu cầu tiêu dùng và thực phẩm dẫn tới giá bán sản phẩm chăn nuôi ra thị trường giảm rất mạnh, gây thua lỗ lớn cho toàn ngành. Một con heo xuất chuồng thì các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đã lỗ tới gần 1 triệu đồng", ông nói.