Sau khi rơi xuống vùng đáy cuối năm 2021, thị trường thịt heo đã phục trở lại từ đầu năm nay và tiếp tục xu hướng tăng giá mạnh từ cuối tháng 6.
Dù vậy, mức giá bình quân trong nước chỉ quanh 55.000 đồng/kg trong nửa đầu năm vẫn là mức thấp so với thời kỳ đỉnh cao của giá thịt heo cùng kỳ bán niên 2021. Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp theo đó vẫn chưa mấy khả quan.
Lợi nhuận khiêm tốn
Ông lớn nuôi heo ở miền bắc là Dabaco (DBC) khép lại quý II với doanh thu tăng trưởng 14%, lên hơn 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá đầu vào cao và các chi phí hoạt động lớn khiến lợi nhuận suy giảm đến 93%, chỉ đạt 14 tỷ đồng.
Lũy kế nửa năm, công ty có trụ sở tại Bắc Ninh vẫn mở rộng doanh thu 14%, đạt 5.772 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí lớn ăn mòn phần lợi nhuận khiến chỉ tiêu này lao dốc 95% về dưới 23 tỷ đồng.
Lãnh đạo Dabaco giải thích do dịch dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn. Bên cạnh đó, tình hình chính trị phức tạp trên thế giới cũng gây biến động lớn tới giá cả nguyên vật liệu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, chi phí sản xuất và giá thức ăn chăn nuôi tăng trong khi giá bán các sản phẩm thời điểm đầu quý II không tăng kịp. Kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị chăn nuôi giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Công ty Masan MeatLife (MML) công bố doanh thu quý II giảm tới 82%, chỉ còn hơn 1.000 tỷ đồng. Điểm tích cực là doanh nghiệp đã giảm được đáng kể các chi phí phát sinh trong kỳ như lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.
Dù vậy, nhà sản xuất thịt mát này vẫn báo lỗ hơn 210 tỷ đồng, so với mức lãi 142 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Kéo theo đó là lợi nhuận lũy kế nửa đầu năm lao dốc 88% về 33 tỷ đồng.
Kết quả kém khả quan của Masan MeatLife được lý giải do đã bán mảng thức ăn chăn nuôi, mảng chiếm tỷ trọng rất cao trong cơ cấu doanh số và lợi nhuận của công ty nhưng không còn duy trì hoạt động bán hàng kể từ cuối năm 2021. Do vậy công ty con của Masan hiện chỉ hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất thịt các loại.
Cũng trong nửa đầu năm nay, Công ty Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) ghi nhận doanh thu sụt giảm 20%, đạt 1.856 tỷ đồng . Dù tiết giảm mạnh chi phí hoạt động nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty này vẫn thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm trước, đạt 66 tỷ đồng .
Giống các doanh nghiệp trong ngành, Vissan cũng là hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất thịt và các sản phẩm từ thịt. Bên cạnh đó còn có các xí nghiệp về chăn nuôi heo, bò và một phần sản xuất thức ăn chăn nuôi... Vì vậy, những tác động kém tích cực ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi nửa đầu năm qua cũng ảnh hưởng trực tiếp tới nhà sản xuất này.
Có kết quả kinh doanh khởi sắc nhất 6 tháng qua là Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) sau chuỗi ngày chìm trong khủng hoảng đã bắt đầu gặt hái những thành công từ chiến lược kết hợp nuôi heo và bán chuối.
Doanh thu quý vừa qua của tập đoàn này đã ghi nhận tăng trưởng 127%, mang về 1.233 tỷ đồng và lãi gộp tăng 386%, đạt trên 271 tỷ. Động lực tăng trưởng chính đến từ ngành trái cây với lãi gộp cao đột biến, chiếm trên 200 tỷ đồng, mảng bán heo cũng thu về trên 66 tỷ đồng .
Bầu Đức cho biết trong nửa đầu năm qua, công ty đã xuất bán khoảng 82.500 con heo thịt và dự kiến tăng sản lượng lên gấp đôi về cuối năm để hưởng lợi từ giá bán đang neo ở mức cao hơn.
Giá bán sẽ sớm đạt đỉnh
Trong ngành chăn nuôi, áp lực chi phí nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi và việc tự chủ sản xuất thức ăn thường tác động lớn đến kết quả các doanh nghiệp, các đơn vị có lợi thế sẽ hạn chế việc "chi phí ăn mòn lợi nhuận".
Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết giá thức ăn chăn nuôi thường chiếm 75% giá thành nên tập đoàn có lợi thế về nguồn chuối thải rất lớn, khoảng 20.000 tấn/năm, từ đó làm giá thành chăn nuôi rất cạnh tranh và ít bị ăn mòn bởi giá thức ăn tăng mạnh như các đơn vị khác.
Điều đó cũng được các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect chỉ ra khi chuối không đạt chuẩn có thể sấy thành bột, thường chiếm 40% nguyên liệu đầu vào và các nguyên liệu khác (như ngô, đậu tương) chiếm 60% thành phần thức ăn chăn nuôi.
Do đó, giá vốn của HAGL chỉ khoảng 38.000 đồng/kg, là chi phí đầu vào thấp nhất trong các nhà sản xuất thịt đang niêm yết.
Dabaco cũng tự chủ đầu vào với 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, giá bán chưa quá cao và áp lực tăng giá nguyên liệu đầu vào cho chế biến đã đẩy biên lợi nhuận nửa đầu năm của nhà sản xuất này xuống mức rất thấp.
Trong khi Masan MeatLife còn phải nhập 40% thịt lợn đầu vào nên chi phí bị đẩy lên rất cao, từ đó gây thua lỗ trong quý vừa qua. Tuy nhiên, công ty có lợi thế đẩy một phần chi phí sang người tiêu dùng nhờ giá bán lẻ các sản phẩm ở mức cao so với các đơn vị khác.
Hay như Vissan, doanh nghiệp hiện không tự chủ hoàn toàn nguồn thức ăn đầu vào, do đó, các chuyên gia cho rằng phải đợi giá heo hơi tăng lên mới có thể bù đắp được mức tăng đầu vào của thức ăn chăn nuôi.
Giá bán thịt heo trong nước, nhất là khu vực miền Bắc, đã tăng mạnh trong tháng 7 lên quanh vùng 70.000 đồng/kg, cao hơn 20% so với tháng trước và tăng gần 40% so với đầu năm do tác động nhiều yếu tố cộng hưởng.
Các chuyên gia tại VNDirect cho rằng giá bán đi lên do thiếu hụt nguồn cung ở một số tỉnh bởi dịch tả lợn châu Phi bùng phát trong quý đầu năm, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao và tác động từ đà tăng mạnh ở Trung Quốc sau nới lỏng.
Dù vậy, thực tế thị trường trong nước chưa có dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung khi tổng đàn heo cả nước vẫn tăng 3,8% so với cùng kỳ và giá bán tại Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Do đó, đà tăng giá gần đây có thể chỉ kéo dài trong ngắn hạn.
Thêm nữa, gần đây Chính phủ đang theo dõi sát diễn biến giá thịt heo trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng. Với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%, cơ quan Nhà nước sẽ áp dụng một số biện pháp bình ổn trong trường hợp giá thịt tăng quá nhanh.
"Giá heo hơi sẽ đạt đỉnh ở mức 80.000 đồng/kg sau đó hạ nhiệt vào quý IV. Mức trung bình trong nửa cuối năm sẽ tăng 31,8% lên 65.500 đồng/kg nhưng bình quân cả năm vẫn giảm 2,9% về 60.000 đồng/kg", VNDirect dự báo.
Đà tăng giá mạnh của thịt heo trong tháng 7 đã hỗ trợ đáng kể cho đà đi lên của các cổ phiếu ngành thịt, giúp định giá P/E (giá trên thu nhập cổ phiếu) neo ở mức cao khoảng 11-20 lần.
Các tổ chức phân tích cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và chọn lọc giữa các cổ phiếu sản xuất thịt do triển vọng tích cực phần lớn đã được phản ánh vào giá.
Tiềm năng tăng giá bao gồm giá ngũ cốc toàn cầu thấp hơn dự kiến, giá lợn hơi cao hơn và nhu cầu tiêu thụ thịt mạnh hơn. Tuy nhiên, ngành này vẫn có rủi ro giảm giá bao gồm giá nguyên vật liệu đầu vào cho thức ăn chăn nuôi cao hơn và giá lợn hơi thấp hơn dự kiến.