Ông Sheikh Tahnoon bin Zayed Al Nahyan luôn kín đáo.
Tuy nhiên, điều này không khiến những lời bàn tán về hoàng gia Abu Dhabi dừng lại, khi ông vốn là người phụ trách quản lý khối tài sản của một trong những gia tộc giàu bậc nhất thế giới.
UAE vừa là nơi có khoảng 6% trữ lượng dầu thế giới, vừa là nơi tập trung tài sản của các hoàng gia. Do đó, gia tộc Al Nahyan giàu có không có gì là bí mật.
Tuy nhiên, những khoản đầu tư vào mọi lĩnh vực - từ dòng đồ lót Savage X Fenty của ca sĩ Rihanna, big data đến thức ăn nhanh và công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk - đã đẩy sự giàu có của gia tộc này lên tầm cao mới.
Giá trị tài sản ròng của nhà Al Nahyan hiện lên tới ít nhất 300 tỷ USD, theo phân tích của Bloomberg Billionaires Index. Con số này cao hơn 225 tỷ USD của gia đình Waltons - gia đình giàu nhất thế giới với chuỗi siêu thị bán lẻ Walmart.
Vượt xa các gia tộc vùng Vịnh
Bloomberg cho biết xác định mức độ giàu có của hoàng gia không dễ dàng bởi ranh giới giữa tài sản gia đình và tài sản nhà nước thường rất mờ nhạt.
Trong trường hợp của Al Nahyan - những người cai trị UAE cách đây nửa thế kỷ - một số tài sản thuộc sở hữu tư nhân, trong khi số khác liên quan đến chính phủ. Những tài sản cá nhân chứng minh sự giàu có của gia tộc này vượt xa các gia tộc vùng Vịnh khác, bao gồm cả Hoàng gia Saudi Arabia.
Ông Sheikh Tahnoon hoạt động trên cả lĩnh vực công và tư nhân. Ông là người đứng đầu quỹ đầu tư quốc gia ADQ của Abu Dhabi, cũng như ngân hàng cho vay hàng đầu của đất nước là First Abu Dhabi.
Giá trị một công ty đầu tư mà gia tộc này nắm giữ đã tăng gần 28.000% trong 5 năm qua. Với các nhà đầu tư trong nước, International Holding Co. được cho là “quá hoàng gia” nên không thể thất bại, trong khi giới đầu tư quốc tế chưa nắm đủ thông tin để tin tưởng.
Gia tộc Al Nahyan nắm giữ các tài sản hàng đầu (trophy asset) như Câu lạc bộ bóng đá Manchester City, hơn chục cung điện gồm Chateau de Baillon ở phía bắc Paris và phần lớn khu Berkeley Square ở London.
“Tài sản hàng đầu” là thuật ngữ sử dụng trong ngành bất động sản, mô tả tài sản đặc biệt hiếm và có nhu cầu cao giữa các nhà đầu tư, theo Medium.
Tuy nhiên, mấu chốt cho sự giàu có của gia tộc này là Royal Group - mạng lưới rộng lớn những công ty có hơn 27.000 nhân viên trong các lĩnh vực từ tài chính đến người máy. Trong hai thập niên qua, mạng lưới này đạt tài sản trị giá gần 300 tỷ USD.
Sự giàu có tăng lên đồng nghĩa ảnh hưởng của nhà Al Nahyan trong khu vực và trên toàn thế giới cũng tăng theo. Ông Sheikh Tahnoon được công nhận là người đứng đầu đế chế kinh doanh đang nở rộ của gia tộc, cũng như sứ giả chính trị quan trọng.
Những khoản đầu tư vào các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập thường hỗ trợ người anh trai - Sheikh Mohammed bin Zayed (MBZ), Tổng thống UAE - mở rộng ảnh hưởng quốc gia.
Ông Sheikh Tahnoon và ông MBZ là thành viên nhóm sáu anh em, được gọi là Bani Fatima. Họ đều là con trai của cựu Tổng thống UAE Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan với người vợ thứ ba.
Ông Sheikh Mansour - người từng giữ chức phó thủ tướng, chủ tịch ngân hàng trung ương và người đứng đầu quỹ đầu tư liên bang Emirates Investment Authority - là nhân vật chủ chốt khác, nhưng tất cả đều góp phần xây dựng nên khối tài sản đồ sộ của gia tộc này.
Royal Group đóng vai trò là trung tâm chỉ huy của ông Sheikh Tahnoon. Ngoài việc đầu tư vào một loạt công ty, họ còn thuê các đầu bếp đẳng cấp thế giới để nấu ăn cho gia đình và vệ sĩ riêng.
Richard Clarke, cựu quan chức Nhà Trắng, cho biết Royal Group là “công ty chịu rủi ro cao nhất” trong số các phương tiện đầu tư lớn ở Abu Dhabi. Các tổ chức quản lý tiền thay mặt cho UAE như Công ty đầu tư Mubadala và Cơ quan đầu tư Abu Dhabi - với tổng tài sản hơn 1.200 tỷ USD - hoạt động giống các quỹ đầu tư quốc gia truyền thống mang tính ổn định.
Siêu du thuyền của ông Sheikh Tahnoon là điểm thu hút chính với những người muốn làm ăn với gia tộc này. Nhà Al Nahyan sở hữu ít nhất ba chiếc du thuyền, trong đó có một chiếc lớn nhất thế giới.
Song hành đầu tư và chính trị
Trong lúc tiến hành hoạt động ngoại giao con thoi trên khắp Trung Đông, ông Sheikh Tahnoon đã giao những trọng trách kinh doanh quan trọng cho một số cố vấn tin cậy. Một trong số đó là Sofia Abdellatif Lasky, nhà tài chính gốc Morocco, người đã làm việc với ông Sheikh Tahnoon trong hai thập kỷ.
Một số khoản đầu tư của Royal Group tăng giá trị đến mức đáng kinh ngạc trong những năm gần đây. IHC - tên gọi International Holding Co. - đứng đầu danh sách này, vượt mọi công ty trên thế giới với hơn một tỷ USD trong 5 năm qua. IHC - phần lớn thuộc sở hữu Royal Group - trở thành công ty niêm yết có giá trị nhất UAE.
Tuy nhiên, quy mô này vẫn chưa đủ để lôi kéo các nhà đầu tư quốc tế, khi một số người lo ngại về tính minh bạch. IHC cũng chưa được đưa vào chỉ số MSCI toàn cầu.
Báo cáo tài chính của IHC được đánh giá là “ít hơn đáng kể về phạm vi” so với các cuộc kiểm toán theo tiêu chuẩn quốc tế, Ernst & Young tái khẳng định trong báo cáo thường niên mới nhất.
Mặc dù Royal Group là khách hàng được săn đón, hầu hết ngân hàng quốc tế tránh thực hiện các giao dịch với IHC do lo ngại về giá trị thị trường bị thổi phồng. Công ty, hầu như dựa vào nguồn tài chính địa phương, giao dịch ở mức gần 18 lần giá trị sổ sách, so với tỷ lệ khoảng 1,5 của Berkshire Hathaway của Warren Buffett.
Dẫu vậy, sự lớn mạnh nhanh chóng của công ty là biểu tượng cho sức mạnh ngày càng tăng của gia tộc Al Nahyan và Hoàng gia Abu Dhabi.
UAE, Saudi Arabia và Qatar đang thúc đẩy đa dạng hóa nền kinh tế, trước khi kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch kết thúc. Những quốc gia này đều đang ở vị thế thuận lợi nhằm tận dụng cơ hội, đặc biệt là khi Mỹ và châu Âu đối mặt với chi phí tài chính tăng cao hơn và Trung Quốc giải quyết dịch Covid-19.
IHC thể hiện tham vọng toàn cầu của Abu Dhabi. Giám đốc điều hành Syed Basar Shueb cho biết hồi tháng 8 rằng công ty có kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào thị trường Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, nhắm mục tiêu vào lĩnh vực như thực phẩm, cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khỏe.
Giống như hầu hết quốc gia đang phát triển, đầu tư và chính trị luôn song hành. Gia tộc Al Nahyan là những người tích cực áp dụng lý thuyết này.
Dưới thời ông MBZ, UAE linh hoạt hơn trong chính sách đối ngoại. Nước này ủng hộ tướng Libya Khalifa Haftar, tham gia lệnh cấm vận Qatar năm 2017 và tự tham gia xung đột giữa Saudi Arabia và Iran ở Yemen. Tuy nhiên, gần đây, UAE hướng tới giảm căng thẳng trong khu vực, lập trường phù hợp với nỗ lực mở rộng quyền lực mềm bằng cách thực hiện các thỏa thuận.
Sau khi ông Sheikh Tahnoon gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào năm ngoái, IHC đã mua 50% cổ phần của Kalyon Enerji - công ty năng lượng tái tạo Thổ Nhĩ Kỳ, theo National News.
IHC cũng đầu tư gần 2 tỷ USD vào ba công ty thuộc sở hữu của tỷ phú Ấn Độ Adani, sau khi các nước ký thỏa thuận thương mại. Trong khi đó, ADQ mua cổ phần trong các công ty quan trọng của Ai Cập để giúp nước này vực dậy nền kinh tế.
Group 42 có thể là minh chứng cho mối liên hệ trực tiếp nhất giữa kinh doanh và quyền lực ở Abu Dhabi. Sau khi UAE và Israel bình thường hóa quan hệ, công ty trí tuệ nhân tạo - do ông Sheikh Tahnoon làm chủ tịch - đã trở thành công ty đầu tiên của UAE mở văn phòng tại đây. Từ đó, công ty này đã thực hiện các giao dịch với Hệ thống Phòng thủ Tiên tiến Rafael thuộc sở hữu nhà nước Israel.
“Ông Sheikh Tahnoon đã trở thành người đáng tin cậy, có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ khó khăn”, Ayham Kamel - người đứng đầu khu vực Trung Đông và Bắc Phi tại Eurasia Group có trụ sở ở London - cho biết. “Thành công đã khiến ông ấy trở thành thành viên chủ chốt giúp ích cho ông MBZ và Abu Dhabi nói chung”.