Ngày 10/1, các doanh nghiệp thủy sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mua hàng chậm lại vì chuẩn bị cho công nhân nghỉ Tết vào tuần sau. Tuy nhiên, giá tôm nguyên liệu 20-50 con/kg đang tăng 5.000-10.000 đồng/kg do nhu cầu tiêu thụ cao ở phân khúc nhà hàng phục vụ đám tiệc cuối năm.
Mua tôm giá cao sẽ khó bán
Ông Lưu Trường Giang, phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát (huyện Trần Đề, Sóc Trăng), cho biết giá tôm loại 40-100 con/kg tăng 3.000-5.000 đồng/kg. Ông Giang nhận định giá tôm sẽ giảm vào tuần tới do nhiều doanh nghiệp thủy sản đồng loạt tạm ngưng sản xuất để công nhân nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão.
Cùng ngày, doanh nghiệp cho công nhân thu hoạch 12 tấn tôm được nông dân huyện Trần Đề nuôi trong 3 ao không lót bạt. Trong đó, ao tôm kích cỡ 45 con/kg, người nuôi lãi 300 triệu; 2 ao loại 100 con/kg chỉ lãi 100 triệu đồng mỗi ao.
Theo ông Giang, tôm thẻ kích cỡ 20 con/kg giá rất cao (290.000 đồng), loại 25 con giá 240.000, 30 con giá 195.000 đồng. Đối với tôm kích cỡ nhỏ (50-100 con) đang dao động 96.000-125.000 đồng/kg.
Trao đổi với Zing, ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) nói rằng giá tôm đang dao động, đơn vị nào cần hàng gấp nên mua với giá cao. Theo ông Tuấn, tôm 20 con/kg nếu mua với giá 290.000 đồng sẽ rất khó bán.
Tại cuộc họp tổng kết ngành nông nghiệp năm 2022 vào chiều 10/1, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 75.355 ha (ngọt, lợ, mặn), vượt 0,47% so với kế hoạch (75.000 ha) và tăng 4,28% so với năm trước. Tổng sản lượng thủy sản cả năm của tỉnh Sóc Trăng đạt 352.763 tấn, vượt 0,22% kế hoạch (352.000 tấn), tăng 0,6% so với năm trước (2.121 tấn).
Đối với tôm nước lợ, toàn tỉnh Sóc Trăng thả nuôi trong năm 2022 được 54.660 ha, vượt 7,18% kế hoạch (51.000 ha), tăng 5,61% so với năm trước. Trong đó, tôm thẻ chân trắng 41.460 ha (75,9% diện tích thả nuôi), tôm sú 13.200 ha.
Sản lượng tôm nuôi đến cuối năm 2022 tại Sóc Trăng đạt 201.000 tấn, tăng 4,04% so với năm trước. Trong đó, sản lượng tôm sú 25.000 tấn, vượt 8,7%, tôm thẻ chân trắng 176.000 tấn.
“Tình hình giá tôm nguyên liệu năm 2022 luôn biến động tùy theo kích cỡ và các thời điểm trong năm nhưng cao hơn so với năm 2021. Tôm kích cỡ từ 20 con/kg trở về lớn giá trung bình tăng 38.000 đồng/kg”, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng chia sẻ.
Mục tiêu xuất khẩu tôm hơn 4 tỷ USD
Nói với Zing, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết năm 2022, ngành thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu gần 11 tỷ USD, trong đó tôm 4,3 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra.
Theo ông Hòe, tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều yếu tố bất định nên VASEP chưa xác định được nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Theo Tổng thư ký VASEP, thách thức của năm 2023 sẽ rất lớn vì cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng xuất khẩu, nên đầu năm phải chờ tình hình có ổn lại hay không.
“Nhiều nước đang đối mặt với tình hình lạm phát, xung đột, dịch bệnh… nên chúng tôi đang xem Trung Quốc sau khi mở cửa thì thị trường có khả năng ổn hơn hay không. Đây cũng là một dự báo nhưng cần phải có thời gian chứ không thể họ vừa mở cửa là mình lên được liền”, ông Hòe chia sẻ.
Hiện, thị trường nhập khẩu ở một số nước có ngành kinh tế lớn đang đối mặt với lạm phát nên sức cầu giảm. Vì vậy, VASEP khó dự đoán được tình hình xuất khẩu của năm 2023 nhưng vẫn đặt ra mục tiêu cho toàn ngành là hơn 10 tỷ USD, trong đó con tôm phấn đấu trên 4 tỷ USD.