Nguyễn Đỗ Quyên (Tác giả)
- Tiến sĩ chuyên ngành Tài chính, Đại học Southampton, vương quốc Anh
- Đào tạo ngắn hạn về tài chính, Đại học Harvard, Mỹ
- Chuyên gia tư vấn dự án tài chính của Ngân hàng Thế giới
- Giảng viên bộ môn Tài chính doanh nghiệp, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Ngoại thương Hà Nội.
Net worth (giá trị tài sản ròng) được hiểu là số tiền bạn thực sự còn lại sau khi đã trừ hết các khoản nợ. Để tính toán khoản này, bạn có thể áp dụng công thức: Tài sản đang sở hữu - Số tiền đang nợ.
Trong đó:
Tài sản đang sở hữu bao gồm tài sản thanh khoản (tiền mặt, tiền trong ngân hàng…), tài sản đầu tư (chứng khoán, quỹ…), bất động sản và tài sản cá nhân (xe cộ, trang sức...).
Nợ bao gồm khoản nợ ngắn hạn (nợ tiêu dùng, nợ chi trả trong dưới một năm như nợ thẻ tín dụng, hoá đơn sinh hoạt …) và nợ dài hạn (mua nhà, vay thế chấp, vay mua xe cộ…).
Các ví dụ tài chính để bạn có thể tính toán giá trị tài sản ròng cá nhân:
Thứ nhất, bạn có 100 triệu đồng cất giữ trong ví hoặc ngân hàng, song lại đang nợ tín dụng 50 triệu đồng. Vậy, giá trị tài sản ròng của bạn là 100 - 50 = 50 triệu đồng.
Thứ hai, vào tháng 1/2022, bạn mua chiếc xe máy SH 125i với mức giá 80 triệu đồng. Đến tháng 12 cùng năm, trên thị trường, xe máy SH 125i sụt giá còn 76 triệu đồng (giảm 4 triệu đồng so với thời điểm bạn mua).
Trong tình trạng sử dụng thông thường, xe máy khấu hao đều hàng năm và khấu hao hết giá trị trong vòng 15 năm. Như vậy, chi phí khấu hao vận xe của bạn là 80 : 15 = 5,33 triệu đồng/năm.
Do đó, giá trị tài sản ròng của bạn (nếu chỉ tính trên chiếc xe máy) là 80 - 4 - 5,33 = 70,67 triệu đồng.
Giá trị tài sản ròng thay đổi liên tục theo tình hình gia tăng tài sản, mức độ chi tiêu của bạn và thời giá theo thị trường. Ảnh: Karolina Grabowska/Pexels.
Thứ ba, bạn đầu tư 100 triệu đồng để mua bất động sản. Nếu sau một tháng, giá trị miếng đất tăng lên thành 150 triệu đồng, giá trị tài sản ròng của bạn là 150 triệu đồng.
Nhưng sau 3 tháng, giá miếng đất đi xuống còn 80 triệu đồng, giá trị tài sản ròng của bạn cũng sẽ chỉ còn 80 triệu đồng mà thôi.
Net worth quan trọng hơn lương tháng
Trước đây, giá trị tài sản ròng thường được nhắc đến với tên tuổi những triệu phú, tỷ phú hoặc doanh nghiệp siêu lớn. Nhưng trên thực tế, ngay cả đối với tài chính cá nhân, các bạn trẻ cũng cần chú ý đến "net worth" của chính mình.
Theo tôi, có 3 lý do chính minh chứng người trẻ cần lưu tâm đến giá trị tài sản ròng hơn thu nhập từng tháng:
Thứ nhất, giá trị tài sản ròng cho biết số tiền thực sự bạn sở hữu, từ đó phản ánh chính xác tình trạng sức khỏe tài chính của bạn. Trong khi đó, mức thu nhập chỉ thể hiện bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà thôi.
Ví dụ, mức lương tháng của bạn là 20 triệu đồng, song bạn chi phần lớn cho sinh hoạt phí, mua sắm, du lịch hoặc trả nợ thẻ tín dụng. Như vậy, giá trị tài sản ròng của bạn ở mức rất thấp, hoặc thậm chí âm.
Thứ hai, khi kiểm soát được tài sản ròng đồng nghĩa với việc bạn có thể lập kế hoạch và quản lý chặt chẽ các khoản chi tiêu, vay, nợ của bản thân, ngăn chặn tình trạng "cháy túi" vào cuối tháng.
Và thứ ba, khi nhận thấy dấu hiệu bất thường ở giá trị tài sản ròng, bạn có thể chủ động lên kế hoạch tài chính, mở rộng thêm các kênh đầu tư, tiết kiệm nhằm phòng tránh rủi ro.
Lương không tăng, làm sao để tăng net worth?
Nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi với tôi rằng làm sao để tăng giá trị tài sản ròng cá nhân trong khi thu nhập cố định hàng tháng vẫn "dậm chân tại chỗ"?
Theo tôi, ở tình huống này, các bạn cần cân nhắc đến việc đầu tư. Tùy thuộc vào tình hình tài chính cũng như tính cách, bạn có thể lựa chọn các kênh đầu tư an toàn, hiệu quả.
Việc sở hữu nhiều đồ dùng đắt tiền, thường xuyên đi mua sắm, du lịch không thể khẳng định một cá nhân có giá trị tài sản ròng cao. Ảnh: Ksenia Chernaya/Pexels.
Tôi có thể gợi ý 3 kênh tiềm năng như sau:
Mua chứng chỉ quỹ: Khởi đầu từ ngân sách đầu tư chỉ 50.000 VNĐ, bạn có thể đạt tỷ suất sinh lời bình quân 12-18%/năm nhờ mua chứng chỉ quỹ. Với cách làm này, bạn không cần theo dõi biến động chứng khoán thường xuyên mà có thể chủ động lên kế hoạch đầu tư thông qua các chuyên gia tài chính nhiều năm kinh nghiệm của các quỹ đầu tư.
Tuy nhiên, bạn cần phải tỉnh táo để theo dõi độ uy tín của các quỹ này, lựa chọn quỹ phù hợp, đặc biệt khi thị trường đang nở rộ các quỹ đầu tư công nghệ mới nổi.
Mua bảo hiểm nhân thọ kèm đầu tư: Đây là kênh đầu tư được chuyên gia đánh giá cao về tính an toàn, tiện dụng và lợi ích đối với người trẻ tuổi.
Bên cạnh việc bảo vệ rủi ro tích lũy từ phí bảo hiểm, khoản tiền này sẽ duy trì khoản thu nhập cố định theo chu kỳ tháng khi bạn gặp rủi ro trong cuộc sống, không có khả năng lao động để tích lũy thu nhập cá nhân, thúc đẩy ổn định dòng tài sản ròng.
Đây còn là kênh tích lũy đầu tư đáng tin cậy khi các công ty bảo hiểm hợp tác với các quỹ đầu tư uy tín, sử dụng nguồn tiền mua bảo hiểm của bạn đầu tư vào các trái phiếu tốt, các cổ phiếu có tỷ suất lợi nhuận cao phù hợp. Tùy vào mục đích đầu tư và biến động của thị trường, tỷ suất sinh lời có thể đạt 7-20%/năm.
Trong ví dụ dưới đây, tôi so sánh mức độ sinh lời khi đầu tư vào chứng chỉ quỹ của quỹ đầu tư đơn lẻ so với đầu tư vào bảo hiểm nhân thọ. Tôi đặt giả thiết bạn 26 tuổi, mức đầu tư tối thiểu 50.000 đồng/ngày trong vòng 20 năm, đầu tư vào cùng quỹ trái phiếu TCBF:
- Đối với quỹ đầu tư, sau 20 năm, số tiền bạn thu về hiện tại rơi vào khoảng 800 triệu đồng (tỷ suất lợi nhuận bình quân 7,5%/năm).
- Đối với bảo hiểm nhân thọ kèm đầu tư, bạn nhận được nhiều khoản tiền tùy theo lựa chọn đầu tư, trong đó bao gồm:
+ Giá trị tài khoản nhận về khi đầu tư cùng chứng chỉ quỹ và thời gian như trên: 590 triệu đồng (tỷ suất lợi nhuận bình quân 7,5%/năm).
+ Quỹ dự phòng rủi ro: Tổng quyền lợi 3 tỷ đồng.
Bất động sản: Người trẻ dưới 30 tuổi hoàn toàn có thể tự tin tham gia vào thị trường bất động sản thông qua hình thức đồng hành với các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm lâu năm trong ngành bất động sản.
Giá trị bất động sản được chia thành các phần nhỏ. Các nhà đầu tư vốn nhỏ tham gia đầu tư từng phần thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ nhà đầu tư vốn nhỏ tham gia mua, quản lý các bất động sản và phát triển thị trường thứ cấp.