Theo dữ liệu của Trading Economics, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với tiền tệ của các đối tác thương mại lớn - đã lao dốc trong ngày 22/7 (theo giờ Việt Nam). Trong vòng 24 giờ qua, chỉ số này có lúc xuống còn 106,44 điểm rồi phục hồi nhẹ lên 106,8 điểm vào 9h45, đánh dấu mức giảm 0,07% so với 24 giờ trước đó.
Ngày 14/7, chỉ số USD áp sát ngưỡng 109 điểm, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 20 năm. So với mốc này, sức mạnh của đồng bạc xanh đã lao dốc hơn 2%.
Trong khi đó, đồng euro cũng tăng giá so với đồng USD. Trong vòng 24 giờ qua, tỷ giá quy đổi giữa đồng euro và USD có lúc tăng lên 1,0273 USD đổi 1 euro.
Tuần trước, đồng euro sụt giảm mạnh, có thời điểm rơi xuống dưới ngưỡng 1 USD đổi 1 euro. Nói với Zing, các chuyên gia quốc tế giải thích đồng euro lấy lại sức mạnh so với đồng USD do chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền được thu hẹp.
Thu hẹp chênh lệch lãi suất
Mới đây, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã thông báo nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, tức 0,5 điểm phần trăm, lần đầu tiên trong vòng 11 năm. Như vậy, lãi suất tham chiếu tại Liên minh châu Âu (EU) đã quay về 0% sau 8 năm duy trì ở mức âm.
Việc ECB thắt chặt chính sách mạnh tay hơn dự kiến có thể là một trong những yếu tố cản trở đà tăng của đồng USD
Chuyên gia tài chính Edward Moya (có trụ sở ở Mỹ)
Trước đó, tỷ giá quy đổi euro/USD đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 tuần sau thông tin ECB cân nhắc nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm thay vì 0,25 điểm phần trăm như dự báo.
"Việc ECB thắt chặt chính sách mạnh tay hơn dự kiến có thể là một trong những yếu tố cản trở đà tăng của đồng USD", ông Edward Moya - chuyên gia tài chính tại hãng tư vấn Americas Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - nói với Zing.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư USD cho rằng các ngân hàng trung ương khác như ECB và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) khó mạnh tay trong việc nâng lãi suất như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Bởi châu Âu đang lao đao vì cuộc khủng hoảng khí đốt cận kề.
Tuy nhiên, trong thông báo nâng lãi suất mới đây, ECB cho biết họ quyết định mạnh tay hơn do "đánh giá lại rủi ro lạm phát".
Lạm phát tháng 6 tại EU đã chạm mốc 9,6%. Tính riêng khu vực đồng tiền chung châu Âu, mức tăng giá tiêu dùng là 8,6%.
Việc Nga tiếp tục xuất khẩu khí đốt sang châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 cũng giúp giảm nhẹ nỗi sợ suy thoái đang bao trùm lục địa. Trước đó, các quốc gia châu Âu lo ngại Nga sẽ kéo dài thời gian bảo trì hoặc dừng hoạt động của đường ống dẫn khí, tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện cho khu vực.
Các ngân hàng trung ương đảo ngược chính sách
Các quốc gia khác cũng có thể mạnh tay hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa.
Hôm 19/7, Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết Ủy ban Chính sách Tiền tệ Anh (MPC) có thể cân nhắc tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tháng 8.
Nếu BoE nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, đây sẽ là đợt tăng lãi suất lớn nhất trong vòng gần 30 năm.
Ngoài ra, các động thái tiếp theo của FED cũng sẽ ảnh hưởng tới chỉ số USD.
"Đồng bạc xanh đã tăng khá mạnh trong 12 tháng qua. Đà tăng có thể kéo dài", ông Edward Moya nhận định. "Tuy nhiên, một khi giới đầu tư cho rằng khả năng FED thắt chặt chính sách đã được phản ánh hết trên thị trường, đà tăng của đồng USD sẽ chấm dứt", ông nói thêm.
Lạm phát của Mỹ vừa thiết lập mức cao mới trong tháng 6. Tuy nhiên, một số tín hiệu chỉ ra lạm phát đã đạt đỉnh và có thể hạ nhiệt vào những tháng tới. Điều này sẽ cho phép FED đưa ra các động thái bớt quyết liệt hơn.
Giới đầu tư đã giảm kỳ vọng vào việc FED nâng lãi suất 1 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tiếp theo. Theo Reuters, sau những bình luận của các quan chức FED, thị trường đánh giá xác suất ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất 100 điểm cơ bản chỉ là 23%.
Dù đã bật tăng phần nào, sức mạnh của đồng euro so với đồng USD vẫn thấp nhất trong vòng 20 năm. ECB đã chậm chân hơn các ngân hàng trung ương khác như FED và BoE trong việc thay đổi chính sách.
Sau khi tăng mạnh, tỷ giá quy đổi euro/USD đã quay đầu lao dốc về 1,019 trong ngày 22/7, đánh dấu mức giảm 0,33% so với 24 giờ trước đó.