Hôm nay (11/3), Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm cặp VND/USD áp dụng trong ngày ở mức 23.972 VND/USD, giảm 24 đồng so với lần niêm yết trước đó. Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá sàn là 22.773 VND/USD, tỷ giá trần là 25.171 VND/USD.
Vào lúc 13 giờ ngày 11/3, tại Vietcombank tỷ giá niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 24.440 – 24.810 VND/USD, giảm 30 đồng mua vào – bán ra so với giá chốt cuối tuần qua.
Ở BIDV, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 24.500 – 24.810 VND/USD, đi ngang cả hai chiều mua – bán so với giá chốt phiên 8/3.
Techcombank, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 24.480 – 24.824 VND/USD, tăng 17 đồng giá mua và 5 đồng giá bán so với chốt phiên liền trước.
VietinBank, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 24.410 – 24.830 VND/USD, tăng 17 đồng cả hai chiều mua – bán so với giá chốt cuối tuần trước.
Eximbank, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 24.410 – 24.800 VND/USD, giá mua – bán đi ngang so với giá chốt phiên trước.
Maritimebank, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 24.513 – 24.919 VND/USD, mua vào tăng 30 đồng, bán ra tăng 8 đồng so với chốt phiên cuối tuần.
Trên thị trường tự do, chốt phiên 8/3, tỷ giá giao dịch ở mức 25.300 - 25.380 (mua vào – bán ra) với đà tăng tiếp tục được mở rộng trong hai ngày cuối tuần.
Tuy nhiên, cập nhật từ thị trường lúc 13 giờ ngày 11/3 cho thấy, giá USD tự do mua vào – bán ra đã lên tới 25.500 – 25.700 đồng; tương ứng tăng 200 đồng chiều mua vào và 320 đồng chiều bán ra. Theo dữ liệu từ WiGroup, giá USD tự do bán ra đang cao nhất 5 năm trở lại đây.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã kích hoạt trở lại công cụ phát hành tín phiếu để điều tiết thanh khoản tiền đồng giúp hạ nhiệt tỷ giá. Theo đó, nhà điều hành đấu thầu tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày.
Chuyên gia dự báo tỷ giá liên ngân hàng giao dịch quanh mức 24.650 - 24.700 trong tuần này và có thể giảm về dưới mức 24.600 nếu công cụ tín phiếu được sử dụng.
Trên thị trường thế giới, đồng USD giảm gần -1,1% trong tuần từ 4 đến 8/3, đồng thời cũng ghi nhận tuần giảm điểm mạnh nhất so với EUR (-0,9%) kể từ đầu năm đến nay.
Hoạt động tuyển dụng lao động ổn định và tốc độ tăng lương chậm lại vào tháng trước cung cấp tín hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ đang trên con đường hướng đến việc "hạ cánh mềm" giúp hạ nhiệt lạm phát mà không gây ra suy thoái.
Theo Bộ Lao động Mỹ công bố vào tối thứ Sáu tuần trước, các doanh nghiệp nước này đã tạo thêm 275.000 việc làm trong tháng 2, cao hơn mức dự báo 198.000 mà các chuyên gia kinh tế đã mong đợi. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên +3,9%, cao hơn dự kiến với tốc độ tăng lương chậm lại (+0,1%). Đây rõ ràng là điều FED chờ đợi, các tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang được kiểm soát tốt hơn, sau khi có những lo ngại về việc áp lực giá cả quay trở lại trong tháng 1 vừa qua.
Trong tuần này, dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng và doanh số bán lẻ tháng 2 của Mỹ sẽ giúp làm rõ hơn triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang. Dự báo cho thấy CPI tháng 2 có thể tăng +0,4% sau khi tăng nhanh hơn dự kiến ở mức +0,3% trong tháng 1 vừa qua. Tuần trước, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra “vào một thời điểm nào đó trong năm nay” có thể là phù hợp, nhưng nói rõ rằng ông và các thành viên FED khác vẫn cần theo dõi thêm các dữ liệu kinh tế.