Chỉ số USD vừa tăng lên mức cao nhất 20 năm, giúp các doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ hưởng lợi. Nhưng gánh nặng nợ sẽ phình to với một số nền kinh tế mới nổi.
Theo dữ liệu của Trading Economics, hôm 28/9, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng tiền Mỹ với các tiền tệ chủ chốt khác - đã vượt mức 114,7 điểm, ngưỡng cao nhất kể từ tháng 5/2002.
Đầu tuần này, đồng bảng Anh đã rơi xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, sau khi chính phủ mới của Anh công bố gói cắt giảm thuế để kích thích kinh tế.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, giá trị của đồng bạc xanh tiến sát đồng bảng đến vậy. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey đã phải gấp rút trấn an. Ông khẳng định ngân hàng vẫn đang "theo dõi sát sao những diễn biến trên thị trường tiền tệ".
Ai hưởng lợi từ đà tăng của đồng USD
Khi bất ổn gia tăng trên toàn cầu, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và một số quốc gia đã tích trữ đồng USD như một kênh trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, động lực chủ yếu đằng sau đà tăng của đồng bạc xanh là cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong cuộc họp chính sách tháng 9, Fed đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp, đưa mặt bằng lãi suất điều hành của Mỹ lên 3-3,25%.
Đáng nói, các quan chức Fed phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách trong tương lai. Trong bài phát biểu hôm 26/9, bà Loretta Mester - Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland - thừa nhận rằng những biến động trên thị trường tài chính có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của kinh tế Mỹ, nhưng việc bình ổn giá cả vẫn quan trọng hơn.
Đồng USD mạnh lên là tin tốt đối với các doanh nghiệp nhập khẩu
Ông Jordan Rochester - chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại Nomura Securities
Theo bà, việc thiếu kiên quyết trong cuộc chiến chống lạm phát còn nguy hiểm hơn khả năng tăng lãi suất quá tay.
Câu hỏi đặt ra là những ai hưởng lợi khi đồng USD mạnh lên. Đối với các công ty nhập khẩu Mỹ, hàng hóa mua từ nước ngoài sẽ trở nên rẻ hơn.
"Đó là tin tốt đối với các doanh nghiệp nhập khẩu", ông Jordan Rochester - chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại Nomura Securities - bình luận. Trên hết, việc đồng USD mạnh lên sẽ giảm thiểu phần nào tác động của lạm phát đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Du khách Mỹ cũng hưởng lợi khi sức mạnh của đồng USD tăng lên. Đồng euro rẻ hơn đồng bạc xanh lần đầu tiên sau 20 năm. Do đó, đối với các du khách Mỹ, giá phòng và chi phí ăn uống, giải trí tại châu Âu và nhiều nơi khác sẽ giảm đi.
Nhiều người Mỹ coi đây là một đợt giảm giá trên toàn cầu và tranh thủ đi du lịch, mua sắm ở nước ngoài.
Các nền kinh tế mới nổi chịu thiệt hại
Trong khi đó, các công ty đa quốc gia có trụ sở ở Mỹ sẽ chịu thiệt hại khi đồng USD tăng giá. "Hoạt động kinh doanh của chúng tôi rất tốt trong quý vừa qua, nhưng đồng USD còn tăng mạnh hơn", CEO Salesforce Marc Benioff phàn nàn.
Công ty có trụ sở ở San Francisco bán phần mềm cho các thị trường trên toàn cầu. Ông Benioff cho rằng trong năm tài chính 2022, đồng USD mạnh lên sẽ khiến công ty thiệt hại khoảng 800 triệu USD.
Theo ông Michael Klein - giáo sư kinh tế tại Đại học Tufts, khi các công ty đa quốc gia như Salesforce chuyển lợi nhuận về đồng USD, khoản lời sẽ giảm đi vì đồng bạc xanh mạnh lên so với các ngoại tệ như euro, bảng.
Các nền kinh tế mới nổi cũng bị ảnh hưởng tiêu cực khi đồng USD mạnh lên. Hầu hết mặt hàng trên thế giới đều được định giá bằng đồng USD. Do đó, nhiều hàng hóa ở những thị trường mới nổi sẽ trở nên đắt đỏ hơn.
Thêm vào đó, đồng USD mạnh hơn cũng đè nặng lên những quốc gia đang gánh nợ bằng đồng USD. Áp lực nợ sẽ càng lớn hơn khi lãi suất ở nhiều nước tăng cao.
Các doanh nghiệp xuất khẩu và ngành công nghiệp du lịch của Mỹ cũng chịu thiệt hại vì đồng USD mạnh lên. Khi giá USD tăng cao, hàng hóa được sản xuất tại Mỹ sẽ kém hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng ở những quốc gia khác.
Trong khi đó, du khách ở các nước khác cũng ngần ngại du lịch tại Mỹ hơn. Bởi mọi thứ sẽ trở nên đắt đỏ đối với họ.