Theo Kitco.com, giá vàng thế giới lên xuống liên tục trong phiên giao dịch ngày 28/12 trên sàn New York (giờ Mỹ). Giá của mỗi ounce vàng có lúc rơi xuống gần 1.796 USD, rồi vọt lên hơn 1.808 USD trước khi đóng cửa ở mức 1.804 USD, giảm 9,4 USD so với phiên liền trước.
Trong phiên giao dịch trước đó, giá cũng tăng dựng đứng từ gần 1.805 USD/ounce lên 1.830 USD/ounce - mức cao nhất 6 tháng, rồi nhanh chóng lao dốc còn 1.813 USD/ounce.
Theo giới quan sát, giá vàng liên tục trồi sụt bởi những thông tin xoay quanh việc mở cửa trở lại của Trung Quốc. Nhà đầu tư cũng đưa ra các dự đoán trái chiều về quyết định lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Giá kim loại quý biến động
Mới đây, Trung Quốc tuyên bố chính thức hủy bỏ việc cách ly tập trung và xét nghiệm Covid-19 đối với du khách quốc tế tới nước này kể từ ngày 8/1/2023. Đây là một động thái nới lỏng đáng kể của Bắc Kinh.
Giới đầu tư đang theo dõi sát sao quá trình mở cửa trở lại của Trung Quốc, do những tác động của nền kinh tế thứ 2 thế giới đối với triển vọng kinh tế và các thị trường tài chính trên toàn cầu.
Các nhà đầu tư cũng cẩn trọng trong việc đánh giá những động thái tiếp theo của Fed. Năm nay, ngân hàng trung ương Mỹ đã bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất vào tháng 3 để kìm hãm lạm phát. Fed nâng lãi suất tổng cộng 425 điểm cơ bản, đưa lãi suất điều hành lên 4,25-4,5%.
Lãi suất điều hành của Mỹ tăng cao sẽ đè nặng lên các thị trường hàng hóa như vàng. Bởi chúng làm chi phí vốn và chi phí cơ hội của những khoản đầu tư này tăng lên.
Hơn nữa, khi sức mua của đồng bạc xanh tăng lên, số USD cần thiết để mua vàng cũng giảm đi. Việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm sau có thể cởi bỏ áp lực cho thị trường kim loại quý.
Tỷ phú Jeffrey Gundlach tin rằng Fed sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 2, và mức lãi suất điều hành cao nhất trong chu kỳ tăng là 5%. Nhưng theo ông, có thể ngay trong cuộc họp chính sách sau đó, ngân hàng trung ương Mỹ buộc phải cắt giảm lãi suất.
"Các nhà đầu tư trái phiếu đang đặt cược vào kịch bản rằng, vào cuộc họp chính sách tháng 12 năm sau, lãi suất điều hành sẽ bằng mức của tháng 12 năm nay", ông nhận định.
"Vì thế, tại sao chúng ta lại phải quan tâm tới các đợt tăng và giảm lãi suất giữa 2 cuộc họp đó? Chúng chỉ giống như đào một cái hố rồi nhanh chóng lấp lại", ông lập luận.
Lạm phát đang hạ nhiệt
Ông Gundlach thậm chí còn cho rằng Fed sẽ không tăng lãi suất lên 5%. Bởi các dữ liệu cho thấy những chỉ số kinh tế của Mỹ đang suy yếu quá nhanh.
Các dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt. Trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - chỉ tăng 5,5% so với một năm trước đó. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức 6,1% hồi tháng 10.
Mức tăng so với cùng kỳ năm trước của cả PCE và PCE cơ bản - loại trừ giá năng lượng và thực phẩm - đều ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Trước đó, dữ liệu CPI (chỉ số giá tiêu dùng) và PPI (chỉ số giá sản xuất) tháng 11 đã phát đi tín hiệu về sự hạ nhiệt của lạm phát.
Lạm phát đã giảm bớt trong những tháng qua, nhất là đối với hàng hóa. Các nút thắt trong chuỗi cung ứng được tháo gỡ phần nào. Người tiêu dùng cũng chuyển hướng sang những lĩnh vực như giải trí, khách sạn và nhà hàng.
Cũng theo báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ công bố, chi tiêu tại Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 11 nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều.
Kịch bản Fed giảm tốc độ tăng lãi suất sẽ đè nặng lên đồng bạc xanh. CrossBorderCapital dự báo chỉ số USD có khả năng lao dốc 15-20% trong năm sau. Đây là tin tốt với kim loại quý, vốn thường biến động ngược chiều USD.