Giá vàng thế giới đã giảm mạnh vào thứ Sáu (ngày 5/5 theo giờ Mỹ) khi nỗi sợ về lãi suất ngân hàng tăng thêm 0,5 điểm % lắng xuống, nhà đầu tư còn nhận thêm thông tin về báo cáo việc làm tháng 4 của Mỹ có kết quả tốt hơn mong đợi.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm, trở lại mức thấp nhất trong 53 năm là 3,4%, trong khi nền kinh tế Mỹ còn tạo thêm 253.000 việc làm mới vào tháng trước.
"Thị trường việc làm tốt lên đang cho thấy khả năng phục hồi rõ ràng của nền kinh tế, mặc dù lãi suất của các ngân hàng Mỹ vẫn giữ đà tăng mạnh. Khả năng phục hồi này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đủ kiên nhẫn để tiếp tục theo dõi dữ liệu kinh tế trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào về chính sách tiền tệ trong thời gian tới", Jameel Ahmad, nhà phân tích của CompareBroker.io nói.
Giá vàng tương lai giao tháng 6 trên sàn Comex phiên cuối tuần này phổ biến dao động ở mức 2.024,3 USD/ounce, giảm 1,3% so với phiên liền trước. Điều này xảy ra sau khi giá vàng tại đây đạt mức cao kỷ lục 2.085,4 USD hồi đầu tuần.
Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường của OANDA nói với Kitco: "Đối với các nhà đầu tư, có vẻ những lo lắng về lãi suất ngân hàng đã dịu lại, nhưng vẫn là một câu chuyện lâu dài. Nhìn chung, rủi ro vẫn còn đó, các điều kiện tín dụng sẽ tiếp tục thắt chặt. Với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đang họp bàn về trần nợ công thì rủi ro sẽ tiếp tục hiện hữu".
Nhà kinh tế hàng hóa Edward Gardner của Capital Economics thì cho biết thị trường kim loại quý sẽ không gặp trở ngại nghiêm trọng nào cho đến khi vấn đề về trần nợ và tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng được giải quyết.
"Mối lo ngại về khủng hoảng tới từ các ngân hàng và trần nợ của Mỹ sẽ giữ giá vàng ở mức cao trong vài tháng tới. Tuy nhiên, đến thời điểm những lo lắng này qua đi, chúng tôi cho rằng cơn gió ngược kéo giá vàng giảm trong dài hạn sẽ xuất hiện", ông nói.
Các chỉ số mới nhất mà Capital Economics thu thập được liên quan căng thẳng tài chính ở các nền kinh tế phát triển cũng cho thấy giá vàng đang được hưởng lợi từ nhu cầu trú ẩn an toàn liên quan đến các rắc rối ngành ngân hàng.
Trong tuần này, RBC Wealth Management đã cảnh báo bối cảnh kinh tế và chính trị của năm 2023 là “một trong những thách thức lớn nhất”.
Lần cuối cùng trần nợ công tại Mỹ làm rung chuyển thị trường là vào năm 2011, với một số điểm tương đồng với thời điểm hiện tại.
"Năm 2011, Mỹ đạt trần nợ vào ngày 16/5 và sau nhiều tranh cãi chính trị đã thông qua luật tăng trần nợ vào ngày 1/8. Ngay lập tức, giá vàng đã tăng 9% so với tháng trước đó, có lẽ một phần là do những lo ngại về tài chính của chính phủ. Những mối lo ngại tương tự đã xuất hiện trở lại gần đây", ông Gardner thông tin thêm.
Theo Capital Economics, những vấn đề này có thể gây khó khăn cho thị trường trong vài tháng tới, để giữ kim loại quý quanh mức 2.000 USD/ounce.
Chuyên gia Edward Moya từ OANDA cho biết việc giá vàng giành lại mức cao kỷ lục hồi giữa tuần trong thời gian ngắn có thể là một thách thức, nhưng vàng vẫn sẽ đạt được mức đỉnh một lần nữa.
"Lạm phát sẽ khiến bối cảnh kinh tế trở nên khó khăn, điều này sẽ đảm bảo cho việc Fed duy trì lập trường của mình cao hơn trong thời gian dài hơn. Hiện tại, Fed đã xong việc. Cuộc họp tháng 6 có thể tạm dừng chủ đề tăng lãi suất. Các động lực chính của vàng trong thời gian tới sẽ là trần nợ, các mối lo ngại của nhà đầu tư về ngân hàng và rủi ro suy thoái", vị chuyên gia nhấn mạnh.