Trong khi đó, vàng thế giới tiếp đà tăng trở lại.
Giá vàng trong nước hôm nay
Tại thời điểm khảo sát lúc 5h00 ngày 10/1, trên sàn giao dịch của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, vàng SJC đang là 66,00 triệu đồng/lượng mua vào và 66,80 triệu đồng/lượng bán ra.
Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, thời điểm khảo sát niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,20 – 67,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng 9999 được DOJI được niêm yết ở mức 66,00 triệu đồng/lượng mua vào và 67,00 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng Vietinbank Gold đang niêm yết ở mức 66,00 triệu đồng/lượng mua vào và 66,82 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 66,22 - 66,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá 2 chiều 53,56 - 54,41 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới hôm nay
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 5h00 hôm nay theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 1.871,705 USD/ounce, tăng 0,30%, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 9/5 là 1881,5 USD/ounce trong phiên giao dịch. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 53,05 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng của SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế là 13,75 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,4%, đạt mức 1.877,8 USD.
Theo Kitco News, giá vàng đã chạm mức cao nhất trong 8 tháng vào phiên giao dịch vừa qua, do đồng đô la trượt giá khi thị trường đặt cược vào khả năng Mỹ sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo tại UBS cho biết, đồng đô la suy yếu có thể là yếu tố chính nâng giá vàng lên cao, bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng bắt đầu tăng dần tỷ lệ nắm giữ trong các quỹ hoán đổi danh mục (ETF), cho thấy tâm lý tích cực đối với vàng.
Chiến lược gia Christopher Wong của OCBC FX cho biết: “Dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy rằng, việc thắt chặt chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào năm 2022 đang bắt đầu có tác động đối với nền kinh tế và Fed có đủ khả năng để làm chậm tốc độ thắt chặt của mình”.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly cho rằng, khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản hoặc 25 điểm cơ bản trong khoảng thời gian từ ngày 31/1 đến 31/2 sắp tới. Trong cuộc họp ngày 1/1, Chủ tịch Fed Atlanta, Raphael Bostic, đồng tình với quan điểm cho rằng cần “thận trọng hơn” trong việc điều chỉnh lãi suất, trong bối cảnh lãi suất có thể duy trì ở mức cao hơn vào năm 2024.
Thị trường tiền tệ hiện đang định giá 75% khả năng Fed sẽ tăng 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tháng 2, với lãi suất cuối kỳ dự kiến chỉ đạt dưới mức 5% vào tháng 6.
Hiện các nhà giao dịch đang chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Hội nghị Ngân hàng trung ương ở Stockholm vào ngày 10/1, và dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ (CPI) – thước đo lạm phát, dự kiến sẽ được công bố vào cuối tuần này.
Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng, về cơ bản, giá vàng đang giao dịch ở mức cao nhất của một phạm vi hợp lý”.
Tuy nhiên, Staunovo lại cho rằng, mặc dù việc Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới có thể hỗ trợ nhu cầu đối với vàng ở một mức độ nào đó, nhưng chưa đủ để tác động tổng thể đối với thị trường vàng.
Vàng bắt đầu có dấu hiệu tăng từ quý 4 năm 2022 do kỳ vọng Fed sẽ xoay trục, giảm dần tốc độ tăng lãi suất.
Giám đốc điều hành Forex toàn cầu tại Bannockburn, Marc Chandler nhận định, mục tiêu tiếp theo mà vàng cần vượt qua là 1896,50 USD/ounce. Miễn là kim loại màu vàng duy trì tốt trên khoảng 1825 – 1830 USD, nó hoàn toàn có thể tăng giá trong tương lai.