Trong khi đó, vàng thế giới quay đầu giảm nhẹ.
Giá vàngtrong nước hôm nay
Tại thời điểm khảo sát lúc 5h00 ngày 12/1, trên sàn giao dịch của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, vàng SJC đang là 66,15 triệu đồng/lượng mua vào và 66,95 triệu đồng/lượng bán ra.
Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, thời điểm khảo sát niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,15 – 66,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng 9999 được DOJI được niêm yết ở mức 66,10 triệu đồng/lượng mua vào và 67,00 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng Vietinbank Gold đang niêm yết ở mức 66,15 triệu đồng/lượng mua vào và 66,97 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 66,16 - 66,93 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá 2 chiều 53,54 - 54,39 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới hôm nay
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 5h00 hôm nay theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 1.875,965 USD/ounce, giảm nhẹ 0,4%, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 9/5 là 1881,5 USD/ounce trong phiên giao dịch trước đó. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 53,14 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng của SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế là 13,81 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,1%, đạt mức 1.878,9 USD.
Theo Reuters, giá vàng đã giảm từ mức cao nhất trong 8 tháng vào phiên giao dịch vừa qua, khi các nhà đầu tư đặt cược rằng dữ liệu lạm phát của Mỹ có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất.
Jim Wyckoff, Nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals cho biết, giá vàng đang có xu hướng giảm do động thái chốt lời từ các nhà giao dịch hợp đồng tương lai, trước thềm dữ liệu Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ (CPI) – thước đo lạm phát được công bố. Ông cũng nhận định thêm rằng, thị trường có thể tiếp tục giao dịch đi ngang trước khi dữ liệu được công bố.
Báo cáo giá tiêu dùng của Mỹ sẽ được theo dõi chặt chẽ để tìm ra tín hiệu về chiến lược chính sách tiền tệ của Fed, sau khi Ngân hàng trung ương Mỹ giảm tốc độ tăng lãi suất xuống 50 điểm cơ bản vào tháng 12, sau bốn lần tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp.
Craig Erlam, Nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho biết: “Đây là một báo cáo quan trọng nếu lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến, đồng thời cũng cho thấy thái độ “diều hâu” của Fed trên thị trường tiền tệ”.
Trong khi thế giới vẫn đang tỏ ra lo ngại về quy mô và tác động của đợt bùng phát Covid-19 mới tại Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, thì “về lâu dài, Trung Quốc được dự đoán sẽ phục hồi mạnh mẽ, điều này có thể kích thích thêm nhu cầu đối với kim loại quý này,” Erlam nói. Nhìn chung, vàng có xu hướng tăng giá trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại.
Các nhà giao dịch hiện đang đánh giá 77% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên mức 4,50% - 4,75% vào cuộc họp chính sách diễn ra vào tháng 2 tới, và cho rằng lãi suất sẽ đạt đỉnh ở mức 4,92% vào tháng 6.
Vàng bắt đầu có dấu hiệu tăng từ quý 4 năm 2022 do kỳ vọng Fed sẽ xoay trục, giảm dần tốc độ tăng lãi suất. Mục tiêu tăng giá tiếp theo của vàng là mốc 1900 USD. Mục tiêu giảm giá ngắn hạn tiếp theo của vàng là 1800,00 USD.
Trước đó, Giám đốc điều hành Forex toàn cầu tại Bannockburn, Marc Chandler nhận định, mục tiêu tiếp theo mà vàng cần vượt qua là 1896,50 USD/ounce. Kim loại màu vàng cần duy trì tốt trên khoảng 1825 – 1830 USD để có thể tiếp tục tăng giá trong tương lai.