Theo dữ liệu của Trading Economics, giá vàng thế giới vừa rớt một mạch từ hơn 2.000 USD/ounce xuống 1.985 USD/ounce. Trong vòng 24 giờ qua, chênh lệch giữa mức cao nhất và thấp nhất của kim loại quý lên tới 25 USD/ounce.
Các thị trường gần như chắc chắn rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tiếp tục diều hâu. Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 110,39 điểm, còn 33.786,62 điểm.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 24,73 điểm (-0,6%) và 97,67 điểm (-0,8%).
Sức ép lớn
"Giá vàng đang chịu áp lực do những bình luận 'diều hâu' của một số quan chức Fed. Đà tăng trưởng của kim loại quý có thể nhanh chóng bị triệt tiêu, đẩy giá xuống mức 1.950 USD/ounce", ông Anuj Gupta - Phó chủ tịch tại IIFL Securities - bình luận.
"2 yếu tố lớn sẽ chi phối giá vàng là những tuyên bố của các quan chức Fed và biến động của USD Index", ông nói thêm. USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác - đã vượt ngưỡng 101,9 điểm, tiến sát ngưỡng 102 điểm sau khi rơi xuống mức thấp nhất một năm vào tuần trước.
Giá vàng đang chịu áp lực do những bình luận 'diều hâu' của một số quan chức Fed. Đà tăng trưởng của kim loại quý có thể nhanh chóng bị triệt tiêu, đẩy giá xuống mức 1.950 USD/ounce
Ông Anuj Gupta - Phó chủ tịch tại IIFL Securities
Còn theo chuyên gia thị trường Sugandha Sachdeva, mức hỗ trợ hiện tại của giá vàng là 1.980 USD/ounce. Bà chỉ ra trong tháng 4, bang New York ghi nhận tháng tăng trưởng đầu tiên trong vòng 5 tháng. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc Fed sẽ buộc phải tiếp tục tăng lãi suất.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ cách đây một năm. Fed tăng lãi suất điều hành tổng cộng 4,75 điểm phần trăm nhằm kìm hãm lạm phát đang ở mức cao nhất nhiều thập kỷ.
Điều này giáng đòn mạnh lên vàng. Bởi lãi suất tăng cao sẽ khiến chi phí vốn và chi phí cơ hội của kim loại quý đi lên. Giá vàng đã giảm mạnh trong năm ngoái, sau khi tăng vọt vì xung đột Nga - Ukraine.
Khi nào bắt đáy
Trong những ngày qua, các quan chức Fed liên tục phát tín hiệu về một đợt tăng lãi suất tiếp theo trong cuộc họp chính sách tháng 5.
Bà Loretta Mester - Chủ tịch Fed Cleveland - ủng hộ việc tăng lãi suất lên 5% "vì lạm phát vẫn còn quá cao". Tuy nhiên, giọng điệu của bà đã bớt "diều hâu". Vị quan chức cho rằng Fed vẫn cần thận trọng, bởi các điều kiện tín dụng thắt chặt có thể giáng đòn lên tuyển dụng và chi tiêu.
Trong khi đó, ông John Williams - Chủ tịch Fed New York - cho biết các quan chức vẫn còn nhiều việc phải làm để hạ nhiệt giá cả. Vị quan chức thừa nhận lạm phát đang hạ nhiệt, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed.
Còn ông Raphael Bostic - Chủ tịch Fed Atlanta - dự đoán cơ quan hoạch định chính sách của Fed sẽ nhất trí tăng lãi suất điều hành 0,25 điểm phần trăm, và có thể giữ lãi suất ở mức cao "trong một thời gian dài".
Theo dự báo trung bình được đưa ra vào tháng trước, 18 quan chức Fed cho rằng lãi suất sẽ đạt khoảng 5,1% vào cuối năm nay.
Theo dữ liệu của CME Group, các thị trường đang định giá khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm là 84,6%, tăng từ mức 78% của một tuần trước đó (ngày 14/4).
Trong khi đó, khả năng Fed giữ nguyên lãi suất dựa trên định giá của thị trường là 15,4%, giảm từ mức 22% của thứ sáu tuần trước.
Nhưng theo ông Anuj Gupta của IIFL Securities, các nhà đầu tư vàng nên chờ thời cơ, vì giá sẽ tiếp tục giảm vào thời điểm Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo. Khi giá chạm ngưỡng 1.950 USD/ounce, đây là lúc thích hợp để mua vào.