Giá vàng thế giới giảm mạnh về sát mốc chủ chốt 1.900 USD/oz dưới áp lực từ đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD. Trong nước, giá vàng miếng sáng nay (27/9) rớt tới 300.000 đồng/lượng.
Lúc gần 10h trưa, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 68,07 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,68 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm tương ứng 250.000 đồng/lượng và 300.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu có giá 56,89 triệu đồng/lượng và 57,79 triệu đồng/lượng, giảm 190.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,05 triệu đồng/lượng và 68,75 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng qua.
Cùng thời điểm trên, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 1.901,1 USD/oz, giảm 0,3 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Ba tại thị trường New York. Mức giá này tương đương khoảng 56,2 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, giảm 500.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 12,5 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 12,1-12,3 triệu đồng/lượng vào sáng qua, còn giá vàng nhẫn cao hơn khoảng 1,6 triệu đồng/lượng.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 24.180 đồng (mua vào) và 24.550 đồng (bán ra), giảm 5 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.
Phiên đêm qua tại New York, giá vàng giao ngay giảm 14,7 USD/oz, tương đương giảm gần 0,8%, chốt ở mức 1.901,4 USD/oz.
Giảm phiên thứ hai liên tiếp, giá vàng đang đứng trước nguy cơ để mất mốc 1.900 USD/oz - một ngưỡng chủ chốt mà nếu không giữ được, giá vàng có thể trượt sâu hơn.
Sức ép mất giá đối với kim loại quý này tiếp tục đến từ xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD do triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Phiên ngày thứ Ba, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lập đỉnh mới của 16 năm, trong khi tỷ giá USD đạt mức cao nhất mới của 10 tháng.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chốt phiên ở mức 4,558%, cao nhất kể từ năm 2007. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đạt gần 106,3 điểm, cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Phát biểu cùng ngày, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee, tiếp tục khẳng định lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn của Fed. Ông nói rằng rủi ro lạm phát duy trì cao hơn mức 2% mục tiêu của Fed vẫn đang lớn hơn so với rủi ro chính sách tiền tệ thắt chặt gây giảm tốc nền kinh tế. Phát biểu này được xem là một tín hiệu nữa cho thấy Fed sẽ duy trì lãi suất cao cho tới khi lạm phát giảm về gần hoặc đạt mức 2%.
Theo nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty phân tích và dữ liệu Oanda, nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ và toàn cầu đang tăng lên, nhưng vàng vẫn chưa phát huy được vai trò kênh đầu tư an toàn, vì vấn đề chính sách tiền tệ vẫn đang là nhân tố chính chi phối giá vàng. “Nhưng một khi thị trường bắt đầu lo ngại rằng Fed đang thắt chặt quá mức và nền kinh tế giảm tốc mạnh, thì đó sẽ là tin tốt cho giá vàng”, vì khi đó vàng sẽ phát huy địa vị “vịnh tránh bão” – ông Moya nói.
“Nếu báo cáo PCE nóng hơn dự báo, áp lực mất giá đối với vàng sẽ gia tăng”, ông Moya cảnh báo.
Quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới là SPDR Gold Trust tiếp tục bán ròng vàng trong phiên ngày thứ Ba, xả 3,7 tấn vàng, giảm nắm giữ còn 872,8 tấn vàng. Trong 2 piên đầu tuần, quỹ bán ròng khoảng 4,6 tấn vàng, khiến khối lượng nắm giữ giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2020.
“Các nhà đầu cơ vàng giá xuống đang hướng tới các mục tiêu 1.900 USD/oz và 1.885 USD/oz, vốn là những mức thấp của thời gian gần đây”, nhà phân tích Fawad Razaqzada nhận định.