Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện tại đang tiếp thêm động lực cho một “cơn bão hoàn hảo” đối với Vàng, định vị kim loại quý này là một trong những hàng hóa hoạt động tốt nhất trong năm 2023.
Vào thứ Tư (29/11), giá vàng thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong khoảng 7 tháng, là 2.052 USD/ounce, sau khi đã tăng liên tiếp 4 phiên trước đó khi các nhà giao dịch ngày càng tin tưởng rằng Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào đầu năm 2024.
Trong nước, giá vàng miếng SJC ngày 29/11 có thời điểm được các nhà vàng niêm yết ở mức 73,2-74,6 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 700.000 đồng ở chiều mua và 1,1 triệu đồng ở chiều bán chỉ trong vài giờ để phá đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 3 năm ngoái - là 74,4 triệu đồng – lập kỷ lục cao chưa từng có. Mặc dù sau đó giá giảm xuống, nhưng vẫn ở quanh mức cao, 72,4 - 73,5 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Động lực tăng giá của kim loại vàng tăng tốc sau khi Thống đốc Fed, Christopher Waller, một trong những nhân vật mà tiếng nói có tầm ảnh hưởng nhất của ngân hàng trung ương Mỹ - báo hiệu rằng lãi suất khó có khả năng tăng thêm và có thể bị cắt giảm nếu lạm phát tiếp tục chậm lại.
Trao đổi với Viện tư vấn doanh nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute Think-Tank), ông Waller nói: “Tôi ngày càng tin tưởng rằng chính sách đang áp dụng là tốt để làm chậm nền kinh tế và đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% của Fed”.
Ông nói thêm: “Nếu lạm phát tiếp tục giảm, chúng tôi có thể bắt đầu hạ lãi suất chính sách”.
Nhìn chung, các nhà giao dịch phân tích nhận xét của ông cho thấy có một sự thay đổi trong giọng điệu, thể hiện việc ủng hộ sự xoay trục chính sách, điều mà thị trường đã mong đợi từ lâu.
Quan điểm của Fed cho thấy tiềm năng vàng sẽ tăng giá hơn nữa. Do đó, phát biểu của Waller được coi là cơ hội kiếm nhiều tiền mà các nhà giao dịch không muốn bỏ lỡ.
Bên cạnh đó, căng thẳng tại Trung Đông cũng đang thúc đẩy giá vàng, vốn được xem là một tài sản trú ẩn an toàn trong những thời kỳ bất ổn. Các ngân hàng trung ương nằm trong số những người mua vàng nhiều nhất trong vài năm qua. Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc, tiếp đến là Ba Lan và Singapore.
Về phía các nhà phân tích và nhà đầu tư, họ đang dõi theo từng biến động nhỏ của mặt hàng vàng. David Meger, giám đốc giao dịch kim loại của High Ridge Futures, cho biết: “Chúng tôi tin rằng giá vàng có thể giảm trong tuần tới (vì đã tăng quá nhanh), nhưng nhìn chung, chúng tôi tin rằng xu hướng đi ngang để lấy đà tăng tiếp sẽ tiếp diễn trong tương lai gần”.
Theo ông Merger: “Niềm tin hiện tại là Fed đã hoàn tất việc tăng lãi suất và việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra vào năm 2024. Nếu các dữ liệu kinh tế ủng hộ động thái đó, chúng ta sẽ thấy thị trường vàng dậy sóng.” Lãi suất thấp hơn thường thúc đẩy nhu cầu đối với vàng – mặt hàng không mang lại lợi suất.
Công cụ FedWatch của CME cho thấy các nhà giao dịch hiện đang định nhận định có 70% khả năng lãi suất của Fed sẽ giảm trong tháng 5. Tỷ lệ này đã tăng từ mức 50% dự báo hôm thứ Ba (28/11).
Chỉ số Dollar index đang hướng tới tháng giảm mạnh nhất trong năm nay. USD yếu đi khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua bằng các ngoại tệ khác. Cũng hỗ trợ giá vàng là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai tháng, giúp tăng sức hấp dẫn của vàng.
Ryan McIntyre, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Sprott Asset Management, cho biết ngoài những lo ngại về kinh tế, lãi suất và địa chính trị trong ngắn hạn, trọng tâm của các nhà đầu tư vàng Mỹ có thể sẽ chuyển sang trạng thái của thị trường tài chính.
Ủy ban Thị trường mở Liên bang đã giữ lãi suất tham chiếu ổn định ở mức cao nhất 22 năm, trong khoảng 5,25% đến 5,50% tại cuộc họp chính sách gần đây nhất, trong tháng 11/2023. Các nhà giao dịch bắt đầu tin rằng khả năng cao là các quan chức Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 12.
Tuần này được xem là cơ hội cuối cùng để các nhà hoạch định chính sách của Fed đưa ra quan điểm của họ một cách công khai. Như mọi khi, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có bài phát biểu được chờ đợi từ lâu vào thứ Sáu (1/12) tại Spelman College ở Atlanta.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi dữ liệu Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) của Mỹ, công bố vào 30/11, là một chỉ báo lạm phát ưa thích của Fed trong quá trình quyết định chính sách, để hiểu rõ hơn về triển vọng lãi suất. Lạm phát ở Mỹ trong tháng 10 đã giảm nhiều hơn dự kiến, xuống 3,2%, so với mức đỉnh 9,1% vào tháng 6 năm ngoái
Sẽ có nhiều sự kiện tác động đến vàng. Dù bạn nhìn theo cách nào thì vẫn rõ ràng một điều: Các ngôi sao dường như đang hướng về vàng, điều này cho thấy rằng sẽ không mất nhiều thời gian để giá phá vỡ mức cao kỷ lục mới trong những tuần và tháng tới.
Thị trường bắt đầu mơ giấc mơ giá vàng sẽ vượt mức cao nhất từ trước đến nay là 2.074,88 USD/ounce ghi nhận hồi tháng 8/2020. Hầu hết các nhà giao dịch xem mức 2.050 USD/ounce là ngưỡng bứt phá để giá vàng có thể xác lập mức cao kỷ lục mới, thậm chí đạt tới 3.000 USD/ounce.
Bà Michele Schneider, chuyên gia nghiên cứu và đào tạo giao dịch của MarketGauge.com, tháng trước dự đoán giá vàng có thể chạm mức 3.000 USD/ounce nhờ sự hỗ trợ của đồng USD ổn định và lãi suất tăng.
Tham khảo: Fxempire.com