Giá vàng thế giới tụt khỏi mốc chủ chốt 1.700 USD/oz lần đầu tiên kể từ tháng 7, do đồng USD tăng giá và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát. Trong nước, giá vàng miếng trong nước sáng nay (2/9) đi ngang.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm tại New York, giá vàng giao ngay giảm 13,2 USD/oz, tương đương giảm gần 0,8%, còn 1.699,2 USD/oz. Lúc gần 9h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm thêm 0,3 USD/oz so với phiên Mỹ, còn 1.698,9 USD/oz.
Vàng là kênh đầu tư an toàn hàng đầu, thường được nhà đầu tư ưa chuộng mỗi khi lạm phát tăng cao và tăng trưởng kinh tế suy giảm như hiện nay. Tuy nhiên, môi trường lãi suất cao cũng thường gây áp lực giảm giá lên vàng vì vàng là tải sản không mang lãi suất. Hiện tại, triển vọng lãi suất tăng cao hơn đang là nhân tố có ảnh hưởng nhiều hơn đối với giá vàng.
“Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ vững lập trường chống lạm phát và tiếp tục tăng lãi suất lên cao, đồng thời tránh việc cắt giảm lãi suất ngay cả khi xảy ra suy thoái kinh tế, đó sẽ là một ‘điềm xấu’ đối với vàng”, chiến lược gia Daniel Ghali của TD Securities phát biểu. “Nếu giá vàng giảm dưới 1.675 USD/oz, chúng tôi cho rằng áp lực bán tháo mới sẽ xuất hiện”.
Việc quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust liên tục bán ròng phản ánh tâm lý bi quan của nhà đầu tư về triển vọng giá vàng. Sau khi bán ròng tổng cộng 10 tấn vàng trong 3 phiên đầu tuần này, quỹ tiếp tục bán ròng thêm khoảng 0,3 tấn vàng trong phiên ngày thứ Năm. Hiện tại, SPDR Gold Trust đang nắm gần 973,1 tấn vàng, mức thấp nhất kể từ tháng 1.
Đồng USD tăng giá mạnh là một nguồn áp lực giảm giá khác đối với vàng. Chỉ số Dollar Index đạt mức cao nhất mới của 20 năm, sau khi một báo cáo cho thấy thị trường lao động Mỹ tiếp tục vững mạnh.
Báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm xuống mức thấp hơn dự báo và thấp nhất trong 2 tháng - một dấu hiệu cho thấy việc sa thải nhân công diễn ra hạn chế trong lúc thị trường lao động tại nền kinh tế lớn nhất thế giới thắt chặt. Dữ liệu này củng cố khả năng Fed tiếp tục mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ và bổ trợ cho tỷ giá đồng USD.
Dollar Index đạt 109,7 điểm trong phiên ngày thứ Năm, cao nhất kể từ năm 2002. Sáng nay, chỉ số giảm nhẹ về ngưỡng 109,5 điểm.
Lúc hơn 9h sáng, website của Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 65,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,5 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện không thay đổi.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 50,95 triệu đồng/lượng và 51,7 triệu đồng/lượng, bằng với mức giá sáng qua.
Tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 65,85 triệu đồng/lượng và 66,65 triệu đồng/lượng, cũng đi ngang so với sáng qua.
Mức giá hiện tại của vàng thế giới tương đương gần 48,3 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, giảm 200.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 18,2-18,3 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 18 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.
Giờ đây, nhà đầu tư đang chờ bản báo cáo việc làm tháng 8 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu để có một cái nhìn rõ nét hơn về tình hình thị trường lao động - một nhân tố quan trọng đối với các quyết sách của Fed.
Theo dữ liệu mà Reuters đưa ra, các nhà giao dịch ở Phố Wall đang đặt cược khả năng 73,1% Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9 và lãi suất sẽ đạt đỉnh ở mức khoảng 3,993% vào tháng 3/2023.