Mở đầu tuần mới, thị trường vàng thế giới đang ghi nhận xu hướng phục hồi sau chuỗi giảm mạnh cuối tuần trước. Trên sàn Kitco, giá vàng giao ngay hiện phổ biến ở mức 1.716 USD /ounce, tăng 8 USD so với cuối tuần trước. Diễn biến này cho thấy kim quý thế giới đang nhận dòng tiền bắt đáy của nhà đầu tư khi giảm về vùng hỗ trợ 1.700 USD /ounce cuối tuần trước.
Trái ngược với diễn biến phục hồi kể trên của vàng thế giới, giá vàng miếng trong nước sáng nay lại đang ghi nhận xu hướng giảm mạnh ở hầu hết doanh nghiệp.
Cụ thể, chỉ trong sáng nay (18/7), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đã đưa ra tới 17 lần điều chỉnh giảm với mặt hàng vàng miếng, đưa giá mặt hàng này giảm một mạch gần 2 triệu đồng so với giá mở cửa.
Trong đó, giá vàng miếng bán ra tại các cửa hàng khu vực TP.HCM của SJC hiện phổ biến ở mức 65,2 - 66 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), thấp hơn 1,75 triệu đồng/lượng so với mở cửa buổi sáng. Nếu so với cuối tuần trước, mức giảm của vàng miếng SJC lên tới 1,95 triệu đồng.
Tại khu vực Hà Nội, các điểm giao dịch của SJC hiện cũng chấp nhận mua vào vàng miếng với giá 65,2 triệu/lượng và bán ra cao hơn 20.000 đồng so với TP.HCM, cố định ở mức 66,02 triệu đồng/lượng. Tuy vậy, so với cuối tuần trước, giá bán ra này cũng đã giảm gần 2 triệu đồng/lượng.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với giá giao dịch vàng miếng tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng nay.
Trong đó, cuối tuần trước, công ty này vẫn chấp nhận mua vào vàng miếng ở mức 67,35 triệu/lượng và bán ra ở 67,95 triệu/lượng. Tuy nhiên đến sáng nay, giá mặt hàng này đã bị điều chỉnh giảm liên tục, đến 11h30 chỉ còn được mua vào ở mức 65,25 triệu/lượng và bán ra ở 66,05 triệu đồng, tương đương giảm ròng 1,9 triệu đồng so với cuối tuần trước.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI thậm chí đã đưa giá bán vàng miếng xuống mốc 65,9 triệu/lượng phiên sáng nay, thấp hơn 2 triệu đồng so với đầu giờ sáng và cuối tuần trước. Trong khi đó, giá mua vào tại đây hiện cố định ở 65,1 triệu đồng, giảm ròng 2,3 triệu so với cuối tuần trước.
Theo ghi nhận, trong phiên sáng nay, giá bán ra vàng miếng tại hầu hết doanh nghiệp trong nước như Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Phú Quý, Công ty Vàng Mi Hồng… đều đã giảm về vùng 66 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá mua vào được các doanh nghiệp niêm yết phổ biến quanh mức 65-65,2 triệu/lượng.
Như vậy, nếu tính cả chênh lệch giá mua - bán các doanh nghiệp đưa ra, người mua vàng miếng từ cuối tuần trước đến nay đã chịu khoản lỗ xấp xỉ 3 triệu đồng/lượng, tương đương 2,8% giá trị đầu tư.
Xét trên biểu đồ giá hàng ngày, vàng miếng trong nước cũng đã duy trì xu hướng giảm liên tục từ tháng 4 đến nay, kéo giá bán bình quân từ vùng trên 70 triệu/lượng xuống mức 66 triệu đồng hiện tại.
Đà giảm kể trên của vàng miếng trong nước cũng đã kéo chênh lệch giá so với vàng thế giới xuống còn 17,2 triệu đồng/lượng. Trong đó, giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt hiện vào khoảng 48,8 triệu/lượng (theo tỷ giá USD niêm yết tại Vietcombank).
Đáng chú ý, trong khi giá vàng miếng lao dốc sáng nay, giá vàng nhẫn tại hầu hết doanh nghiệp lại ghi nhận xu hướng phục hồi trở lại trên mốc 53 triệu đồng/lượng.
Thực tế, so với vàng miếng, giá vàng nhẫn trong nước thường bám sát diễn biến giá vàng thế giới hơn. Tuần trước, khi giá vàng thế giới lao dốc mạnh, giá vàng nhẫn trong nước cũng chịu xu hướng giảm liên tục từ vùng trên 54 triệu/lượng xuống dưới 53 triệu đồng.
Đến nay, khi giá vàng thế giới phục hồi tích cực từ vùng 1.700 USD /ounce, giá vàng nhẫn cũng ghi nhận xu hướng đi lên.