Cụ thể, tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn tăng giá vàng nhẫn 99,99 loại 0,5 chỉ lên 56,55-57,65 triệu đồng/lượng, cao hơn hôm qua khoảng 200 nghìn đồng/lượng.
Tương tự tại Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng nhẫn PNJ 24k được niêm yết 56,6-57,6 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng/lượng. Trong khi đó giá vàng SJC giữ nguyên mức 66,6-67,2 triệu đồng/lượng.
Tại Tập đoàn DOJI, giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 (Hưng Thịnh Vương) có giá mua vào là 56,4 triệu đồng/lượng, và bán ra là 57,35 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất được ghi nhận đối với vàng nhẫn từ trước đến nay tại doanh nghiệp này.
Từ đầu tháng 5 đến nay, các doanh nghiệp kinh doanh vàng có xu hướng tăng giá mua vào vàng nhẫn nhanh hơn giá bán ra. Giá chiều mua đã tăng khoảng 700-800 nghìn đồng/lượng trong khi giá bán tăng 500-600 nghìn đồng.
Giá vàng nhẫn trong nước hôm nay bất ngờ lập đỉnh trong khi giá vàng thế giới hạ nhiệt. Hiện giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế ở mức 2.015 USD/ounce, sáng nay có lúc ở mức 2.011 USD/ounce, thấp nhất kể từ đầu tháng 5. Quy đổi theo tỷ giá USD tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương với khoảng 57,4 triệu đồng/lượng.
Theo giới phân tích, đồng USD phục hồi đã gây áp lực lên giá vàng. Nguyên nhân là thị trường đang đánh giá lại khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa thể dừng tăng lãi suất để chống lạm phát. Giới đầu tư cũng ngày càng mơ hồ khi xuất hiện nhiều quan điểm trái ngược nhau giữa các thành viên của Fed.
Ở thị trường trong nước, giá vàng SJC không còn biến động mạnh từ đầu năm đến nay. Nhiều người dân đã chuyển sang mua vàng nhẫn để tích trữ vì loại vàng này có giá bám sát với giá vàng thế giới. Trong khi đó, giá vàng SJC đắt hơn rất nhiều so với vàng quốc tế, từng có thời điểm cao hơn tới 18 triệu đồng/lượng, hiện đã thu hẹp về còn khoảng 10 triệu đồng/lượng.