Sau nhiều ngày mải miết đi lên, sáng 11/3, giá vàng thế giới tiếp tục tăng nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ vào cuối năm nay.
Theo đó, giá vàng thế giới hôm nay niêm yết trên Kitco ở mức 2.179 USD/ounce, tăng 2 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua. Đây là ngưỡng cao nhất từ trước đến nay.
Tại thị trường trong nước, ngay lúc 6h ngày 11/3, giá vàng tại Doji được niêm yết ở mức 79,45 - 81,95 triệu đồng/lượng (mua - bán), không đổi so với đầu giờ sáng qua. Trong khi đó, giá vàng tại SJC được niêm yết ở mức 79,5 - 812 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Theo lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), đã có nhiều ý kiến về sửa Nghị định 24 và Chính phủ cũng đã có chỉ đạo NHNN Việt Nam nghiên cứu để sửa đổi Nghị định này.
Vị lãnh đạo Hiệp hội cho rằng, nếu sửa Nghị định 24, nguồn cung vàng sẽ tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng, tiệm cận với giá vàng của thế giới.
“Ngược lại, nếu không tăng nguồn cung, giá vàng SJC có thể tăng lên mức 85 triệu đồng/lượng”, vị lãnh đạo này nói.
Câu chuyện về giá vàng tăng “phi mã” như thời gian vừa qua làm nóng dư luận. Bởi thương hiệu vàng SJC khi nào cũng cao hơn vàng thế giới từ 15-17 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm tăng xấp xỉ 20 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là thiếu nguồn cung đã khiến giá vàng trong nước tăng cao hơn vàng thế giới.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 24, kỳ vọng không phải giá vàng hạ thấp xuống dưới ngưỡng, mà đưa vàng về đúng giá trị thật, tiệm cận với mức giá thế giới khi cộng trừ thuế phí nhập khẩu. Và việc gia tăng nguồn cung, đương nhiên giá vàng sẽ hạ nhiệt, đáp ứng được nhu cầu mua tích trữ của người dân.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc sửa Nghị định 24 có thể giá vàng sẽ hạ, thị trường vàng sẽ ổn định hơn. Nhưng giá có hạ nhiều hay không còn phụ thuộc vào việc nghị định sửa đổi những gì. Tuy nhiên, đó chỉ là dự đoán, giá vàng vẫn phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường vàng thế giới.
“Cùng với đó, nếu cả hai vấn đề là thương hiệu quốc gia của vàng SJC và đơn vị nhập khẩu vàng đều có sự thay đổi ở Nghị định, sẽ tạo sự ổn định hơn cho thị trường vàng. Còn nếu chỉ một trong hai yếu tố đó thay đổi, thị trường chưa chịu nhiều tác động. Từ nay đến lúc Nghị định 24 được sửa đổi, giá vàng còn nhiều biến động”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, thời gian gần đây do ảnh hưởng của việc sửa Nghị định 24, nhà đầu tư sợ vàng SJC sẽ mất đi thương hiệu vàng quốc gia nên chuyển sang vàng nhẫn khiến giá vàng nhẫn cũng liên tục lập đỉnh mới.
Theo ông Hiếu, vàng nhẫn vừa đạt được mục đích đầu tư, vừa có thể sử dụng cho mục đích thường ngày như món trang sức, hữu dụng hơn. Trong khi vàng miếng chỉ có mục đích duy nhất là đầu tư, tuy nhiên tính thanh khoản lại cao hơn.
Nhận định về giá vàng trong thời gian tới, lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng, giá vàng tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới do chính sách tiền tệ, diễn biến kinh tế của Mỹ.
Song riêng với Việt Nam, giá vàng tăng còn xuất phát từ sự khan hiếm. Thế nên, khi Ngân hàng Nhà nước chưa có biện pháp can thiệp thị trường thì giá vàng SJC còn tăng và có mức chênh lệch rất cao so với giá thế giới. Bên cạnh đó, khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa có lộ trình hạ lãi suất thì giá vàng trong nước không thể giảm.
Mặt khác, tình hình thế giới xảy ra một số biến động phức tạp dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến cả xuất nhập khẩu. Khi sự biến động về chính trị vẫn còn thì giá vàng vẫn còn đà tăng.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trước khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng thay đổi, giá vàng sẽ tiếp tục tăng do vàng thế giới vẫn tăng mạnh và trong nước nguồn cung hạn chế. Hiện vàng trong xu hướng đi lên. Ngay cả khi Nghị định 24 đã sửa đổi, thì giá vàng Việt Nam vẫn phải theo giá vàng thế giới.