Giá vàng phục hồi mạnh trong phiên giao dịch đêm qua tại Mỹ, thoát khỏi vùng đáy của 2 năm rưỡi, nhờ đồng USD quay đầu giảm giá sau khi lập đỉnh mới của 20 năm. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây chỉ là một phiên tăng xả sau một thời gian giá vàng liên tục giảm mạnh, và áp lực mất giá đối với kim loại quý này vẫn lớn.
Trong nước, giá vàng miếng tăng lên mức 65 triệu đồng/lượng từ chiều qua và tiếp tục giữ ngưỡng giá này trong sáng nay (29/9).
Đóng cửa phiên ngày thứ Tư tại New York, giá vàng giao ngay tăng 30,9 USD/oz, tương đương tăng 1,9%, chốt ở 1.661,1 USD/oz. Trong phiên ngày thứ Ba, giá vàng giảm về vùng 1.620 USD/oz, thấp nhất kể từ tháng 4/2020.
Lúc gần 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.655,3 USD/oz, giảm 5,8 USD/oz, tương đương giảm gần 0,4% so với chốt phiên Mỹ - theo dữ liệu từ Kitco.com. Mức giá này tương đương gần 47,7 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Giá vàng thoát đáy khi đồng USD tụt khỏi đỉnh. Sau khi lập đỉnh mới kể từ năm 2002 ở mức gần 114,8 điểm trong phiên ngày 28/9, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD đã tụt về vùng 113 điểm. Sáng nay, chỉ số này dao động quanh ngưỡng 113,3 điểm - theo dữ liệu từ MarketWatch.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm, giải toả thêm áp lực mất giá đối với vàng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chốt phiên ngày thứ Tư tại New York ở mức xấp xỉ 3,7%, sau khi bùng nổ qua mức 4% lần đầu tiên kể từ năm 2008.
Ngoài ra, theo giới phân tích, nhu cầu phòng ngừa rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine cũng là lý do để một bộ phận nhà đầu tư tranh thủ bắt đáy vàng.
Dù vậy, sự giải toả này có thể chỉ là tạm thời. Cuộc đua tăng lãi suất để chống lạm phát trên toàn cầu vẫn tiếp diễn, tạo ra một môi trường bất lợi đối với vàng - tài sản không mang lãi suất. Bên cạnh đó, ưu thế lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ tiếp tục thúc đồng USD tăng giá - một nhân tố nữa gây sức ép giảm lên giá vàng vì vàng được định giá bằng đồng bạc xanh.
Trong một dấu hiệu cho thấy sức hấp dẫn sa sút của vàng, kim loại quý này đã không thể hưởng lợi từ những phiên bán tháo gần đây trên thị trường tài chính toàn cầu. Thay vào đó, trong lúc bất an, giới đầu tư mua mạnh USD để tìm kiếm sự an toàn.
“Sự tác động trái chiều giữa sức mạnh của đồng USD và mối lo về tăng trưởng kinh tế sẽ khiến cho vàng giằng co trong thời gian tới”, một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nhận định.
Sau khi xả hơn 19 tấn vàng trong vòng hơn 1 tuần, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust “nằm im” trong phiên ngày thứ Tư, với khối lượng nắm giữ duy trì ở mức 940,9 tấn vàng.
Lúc hơn 10h trưa nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 64,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 65,5 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả hai đầu giá. Nhưng nếu so với cuối giờ chiều qua, giá đã giảm 200.000 đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 50,75 triệu đồng/lượng và 50,85 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 700.000 đồng/lượng và 650.000 đồng/lượng.
Tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 64,5 triệu đồng/lượng và 65,5 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng qua, tăng 300.000 đồng/lượng so với chiều qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn 17,8 triệu đồng/lượng. Sáng hôm qua, giá vàng miếng trong nước bất ngờ sụt 2 triệu đồng/lượng sau nhiều ngày "cố thủ" ngưỡng 66 triệu đồng/lượng.
Ngân hàng Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.620 đồng (mua vào) và 23.900 đồng (bán ra), tăng 20 đồng/USD so với sáng hôm qua. Từ đầu tuần tới nay, giá USD tại ngân hàng này đội thêm 55 đồng, phù hợp với xu hướng tăng của đồng USD trên thị trường quốc tế.