Giá vàng thế giới khởi động tuần giao dịch mới trong xu thế giảm nhẹ, nhưng giá vàng miếng trong nước sáng nay tăng 300.000 đồng/lượng so với cuối tuần, có nơi đạt 79 triệu đồng/lượng. Giới chuyên gia nhận định giá vàng thế giới còn đối mặt với áp lực giảm trong ngắn hạn, nhưng “cửa” tăng trong dài hạn vẫn rộng mở vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đến lúc phải khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 76,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 78,8 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng thứ Bảy, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 300.000 đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 64,45 triệu đồng/lượng và 65,55 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán, tăng 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 76,8 triệu đồng/lượng và 79 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng thứ Bảy.
Cùng thời điểm trên, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 4,8 USD/oz so với đóng cửa cuối tuần trước tại New York, tương đương giảm hơn 0,2%, còn 2.031,5 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Mức giá này tương đương khoảng 60,7 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối tuần.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 18,1-18,3 triệu đồng/lượng.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 24.450 đồng (mua vào) và 24.820 đồng (bán ra), tăng 20 đồng ở mỗi đầu giá so với cuối tuần.
Tuần trước, giá vàng thế giới tăng 1,4% nhờ đồng USD giảm giá và nhu cầu phòng ngừa rủi ro do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông. Dù vậy, giá kim loại quý này - một tài sản không mang lãi suất - đang đương đầu áp lực giảm từ khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.
Loạt số liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ giữ nhịp tăng trưởng vững và lạm phát giảm chậm hơn so với dự kiến. Thực tế này khiến thị trường tài chính không còn đặt cược vào khả năng Fed giảm lãi suất từ tháng 3, mà thay vào đó cho rằng phải đến tháng 6 ngân hàng trung ương này mới bắt đầu cắt giảm lãi suất. Dự báo của thị trường về số lần giảm lãi suất của Fed trong năm nay cũng giảm còn 4 lần thay vì 6 lần như ở thời điểm đầu năm.
Ngoài ra, xu hướng tăng điểm của thị trường chứng khoán Mỹ gần đây không có lợi cho giá vàng, khi nhà đầu tư bị thu hút nhiều hơn bởi việc các chỉ số Dow Jones và S&P 500 liên tiếp lập kỷ lục mới. Các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng như SPDR Gold Trust cũng liên tục bán ròng do nhà đầu tư rút vốn để chuyển sang các quỹ ETF bitcoin giao ngay mới được mở ở Mỹ.
“Rủi ro lớn nhất đối với giá vàng bây giờ là nếu dữ liệu lạm phát lại nóng. Số liệu lạm phát của tháng trước đã đẩy lùi thời điểm Fed có thể giảm lãi suất. Bây giờ kỳ vọng đặt vào tháng 6, nhưng biết đâu phải đến tháng 9 Fed mới hạ lãi suất”, nhà môi giới hàng hoá cấp cao Bob Haberkorn của công ty RJO Futures nhận định với trang Kitco News.
Ông Colin Cieszynski, chiến lược gia trưởng của công ty quản lý tài sản SIA Wealth Management, cho rằng nếu các số liệu cho phép, Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6, và điều đó sẽ có lợi cho giá vàng. “Nếu Fed định giảm lãi suất 3 lần trong năm nay, họ sẽ phải bắt đầu vào tháng 6. Tiếp đó sẽ là các đợt giảm vào tháng 9 và tháng 12. Việc giảm đều đặn như vậy nói lên rằng Fed hành động hoàn toàn như bình thường và không hề bị chi phối bởi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11”, ông Cieszynski nhận định.
Tuần này, sự chú ý của nhà đầu tư sẽ hướng tới báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) Mỹ - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - và các phát biểu của giới chức Fed về chính sách tiền tệ. Báo cáo PCE sẽ được bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày thứ Năm.
Theo ông Haberkorn, các quan chức Fed sẽ giữ quan điểm nhất quán rằng họ cần kiên nhẫn trước khi bắt đầu hạ lãi suất. “Chỉ cần một người trong số họ đưa ra tín hiệu sẽ sớm giảm lãi suất, giá vàng sẽ hưởng lợi rất nhiều. Tuy nhiên, tôi thấy khá ấn tượng khi vàng giữ được mốc 2.000 USD/oz ở mức lãi suất hiện nay. Điều này cho thấy thế giới đang bị chi phối bởi tâm lý bất an và nhu cầu vàng để phòng ngừa rủi ro đang ở mức cao’, vị chuyên gia nhận định.