Giá vàng thế giới vẫn vững vàng ở ngưỡng đỉnh lịch sử. Ảnh: WSJ.
Thị trường vàng đã có một đợt tăng đáng chú ý khi vọt lên mức chưa từng có trước đây. Hiện giá vàng giao ngay vẫn đang neo cao ở ngưỡng trên 2.500 USD/ounce.
Đợt tăng giá vàng mang tính lịch sử này được thúc đẩy bởi sự lạc quan ngày càng tăng của nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất mới.
Việc công bố biên bản cuộc họp chính sách ngày 30-31/7 của Fed cho thấy phần lớn các nhà hoạch định chính sách thuộc cơ quan này tin rằng có khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 9.
Sự thay đổi sắp tới của ngân hàng trung ương Mỹ từ chính sách "diều hâu" sang "ôn hòa" đã gây áp lực giảm đáng kể lên đồng USD, khiến đồng bạc xanh giảm gần 5% so với thời điểm cuối tháng 6.
Khi đồng USD suy yếu, sức hấp dẫn của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn và lưu trữ giá trị ngày càng mạnh mẽ hơn. Công cụ đo lường FedWatch của CME hiện định giá 65% khả năng Fed sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất 0,25 điểm % vào tháng 9 và 35% khả năng cho rằng việc cắt giảm mạnh hơn 0,5 điểm % sẽ diễn ra.
Sự đồng thuận giữa các nhà kinh tế cũng được thể hiện trong cuộc thăm dò của Reuters, dự báo Fed sẽ cắt giảm tổng cộng 0,75 điểm % lãi suất tại 3 cuộc họp chính sách còn lại trong năm nay.
Động lực thúc đẩy nhu cầu vào vàng tăng cao không chỉ nhờ vào viễn cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng hơn của Fed, mà còn là sự tích lũy kim loại vàng liên tục của các ngân hàng trung ương lớn trên toàn thế giới.
Lượng vàng nắm giữ của các ngân hàng trung ương toàn cầu đã tăng lên, các tổ chức hiện tìm cách đa dạng hóa tài sản dự trữ và phòng ngừa rủi ro kinh tế bất ổn.
Các nhà đầu tư bán lẻ cũng đã chứng minh nhu cầu ngày càng tăng đối với vàng, qua đó thúc đẩy giá kim loại này.
Trong ngắn hạn, mức kháng cự đối với vàng chỉ xảy ra khi có sự thay đổi bất ngờ trong quỹ đạo chính sách của Fed. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương lớn được kỳ vọng sẽ bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất trong những tháng tới, tạo cơ hội cho giá vàng tiếp tục đà tăng đáng kể.
Còn trong nước, phiên giao dịch đang diễn ra vào sáng nay (22/8) lại chứng kiến sự "bất động" của giá vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn 9999.
Hiện Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Tập đoàn DOJI, Tập đoàn Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu cùng niêm yết giá mặt hàng này tại mức 79 - 81 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Riêng chuỗi Mi Hồng hiện niêm yết cao hơn các doanh nghiệp vàng còn lại ở chiều mua vào, neo ở mức 80 triệu đồng/lượng.
4 ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV niêm yết giá bán vàng miếng online cho người dân ở mức 81 triệu đồng/lượng.
Ngưỡng 81 triệu đồng cũng là mức bán ra trên thị trường cao nhất của 4 ngân hàng quốc doanh kể từ đầu tháng 6 khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng "bình ổn" cho các đơn vị này.
Với vàng nhẫn, các doanh nghiệp hiện chủ yếu mua vào quanh vùng 77,1 triệu đồng/lượng và bán ra quanh vùng 78,4 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức giá cao nhất từ đầu năm của mặt hàng này.
Giá vàng nhẫn hiện đã tăng khoảng 25% từ đầu năm, mức tăng vượt vàng miếng SJC nếu so ở thời điểm mặt hàng này đạt đỉnh hơn 90 triệu đồng/lượng.