Theo dữ liệu của Kitco.com, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/11, giá của mỗi ounce vàng giao ngay trên sàn New York đã tăng 37 USD lên 1.712 USD. Các chuyên gia cho rằng kim loại quý hưởng lợi khi đồng USD yếu đi.
"Vàng trải qua một ngày tuyệt vời khi đồng bạc xanh lao dốc trước cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ và báo cáo lạm phát quan trọng. Các dữ liệu của báo cáo có thể chỉ ra lạm phát đã hạ nhiệt", ông Moya bình luận.
"Giá vàng đang trên đà tăng và dường như chỉ cần thêm các yếu tố vĩ mô hỗ trợ để tăng cao hơn nữa", ông Moya cho biết. Theo ông, giá kim loại quý đã vượt ngưỡng 1.700 USD/ounce ngay cả khi báo cáo lạm phát chưa được công bố.
Ông cho rằng giá kim loại quý có thể vượt ngưỡng kháng cự 1.750 USD/ounce sau khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát vào ngày 10/11.
Đồng USD chịu sức ép
Còn đồng USD chịu áp lực khi các nhà đầu tư chờ đợi kết quả bầu cử giữa kỳ của Mỹ. Những cuộc thăm dò cho thấy ưu thế đang nghiêng về đảng Cộng hòa. Dù đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện hay Thượng viện, các đề xuất của ông chủ Nhà Trắng sẽ khó được thông qua hơn.
Phố Wall rất yêu thích việc các chính trị gia bất đồng và không thể ban hành bất cứ luật mới nào gây tổn hại tới lợi nhuận doanh nghiệp.
Khả năng cao đảng Cộng hòa sẽ không thông qua luật thuế áp lên các doanh nghiệp dầu mỏ, và cũng không ủng hộ việc tăng thuế đối với giới nhà giàu.
Chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chính khác - liên tục đi xuống trong những ngày qua. Chỉ số này đã giảm từ hơn 113 điểm - mức cao của tuần trước - xuống 109,48.
Đồng euro và bảng đều mạnh lên so với USD. Hiện đồng tiền chung châu Âu đã vượt ngưỡng 1 USD đổi 1 euro. Còn đồng bảng được giao dịch ở mức 1,156 bảng đổi 1 USD, mức cao nhất kể từ cuối tháng 10.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 sẽ được công bố trong tuần này. Việc lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến có thể cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách quan trọng diễn ra vào tháng 12.
Trong cuộc họp chính sách ngày 2/11 (theo giờ địa phương), Fed đã quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008.
Sau đợt tăng lãi suất tháng 11, các nhà đầu tư tin rằng Fed hoặc nâng lãi suất lên 4,25-4,5%, hoặc 4,5-4,75%, tức mỗi kịch bản đều có khả năng 50%.
Báo cáo lạm phát tháng 10 của Mỹ
Giá vàng đã bước vào đà tăng trưởng sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo về thị trường việc làm hôm 5/11. Dù tăng trưởng việc làm mạnh hơn dự kiến, đây vẫn là tốc độ chậm nhất kể từ tháng 12/2020.
Đáng nói, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,7%, cao hơn mức dự kiến 3,5%. "Đã có một số dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm đang hạ nhiệt", bà Elise Gould - nhà kinh tế cấp cao tại Viện Chính sách Kinh tế - nhận xét với CNBC.
"Fed dường như đã đi đúng hướng trong cuộc chiến chống lạm phát", ông Moya bình luận.
Fed dường như đã đi đúng hướng trong cuộc chiến chống lạm phát
Chuyên gia tài chính Edward Moya
Để kìm hãm lạm phát, Fed buộc phải làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Thông báo hôm 2/11 của Fed cũng khẳng định các quyết định trong tương lai sẽ tính đến "tổng mức thắt chặt tiền tệ, độ trễ của tác động lên hoạt động kinh tế và lạm phát, tình hình kinh tế, tài chính".
"Độ trễ của tác động từ việc Fed thắt chặt chính sách khiến giới đầu tư tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ đã chọn giảm tốc độ tăng lãi suất, và sau đó sẽ quyết định thời điểm kết thúc chu kỳ", ông Moya nhận định.
Lãi suất chuẩn tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của vàng thỏi, vốn không được trả lãi, và thúc đẩy đồng USD. Điều này đồng nghĩa rằng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng tăng lên, khiến lực bán lấn át lực mua trên thị trường kim loại quý.
Ngoài ra, đồng USD mạnh lên cũng đồng nghĩa với việc số USD cần để mua một ounce vàng giảm đi.