Giá vàng bước vào đà tăng mạnh từ cuối năm ngoái và trong năm nay, kim loại quý có lúc được giao dịch ở mức giá cao nhất trong vòng 9 tháng 1.957 USD/ounce. Nhưng đến nay, giá vàng đã rớt xuống 1.833 USD/ounce, thấp nhất hơn 6 tuần.
Trong vòng 24 giờ qua, theo dữ liệu của Trading Economics, giá vàng thế giới rơi từ hơn 1.865 USD/ounce xuống 1.833 USD/ounce, tức mất hơn 30 USD mỗi ounce vàng.
Các dữ liệu mới nhất về kinh tế và lạm phát tại Mỹ tiếp tục đè nặng lên thị trường vàng, trong khi áp lực chốt lời vẫn còn lớn. "Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tiếp tục mạnh tay và nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đang tăng lên", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - nhận định với Zing.
Còn ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường có trụ sở ở Anh - cho rằng giá vàng tiếp tục điều chỉnh vì kim loại quý không được hỗ trợ bởi báo cáo lạm phát tháng 1 của Mỹ.
"Sau khi rơi xuống dưới ngưỡng 1.850 USD/ounce, giá vàng có thể tiếp tục giảm hơn nữa", vị chuyên gia nhận định.
Theo dữ liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 14/2, lạm phát tại Mỹ tăng cao trong tháng 1 do chi phí nhà ở, giá xăng và nhiên liệu đi lên. CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng 0,5% so với tháng trước đó và 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát dự báo mức tăng lần lượt là 0,4% và 6,2%. CPI lõi - loại trừ giá năng lượng và thực phẩm - tăng 0,4% so với tháng 12/2022 và 5,6% so với tháng 1/2022, cao hơn ước tính 0,1 điểm phần trăm.
Giới quan sát cho rằng Fed có thể phải tăng lãi suất lên cao hơn những gì thị trường đang định giá, sau khi các dữ liệu chỉ ra tình hình lạm phát ở Mỹ không như cơ quan này mong muốn.
"Lạm phát đang hạ nhiệt nhưng con đường đó sẽ không suôn sẻ", CNBC dẫn lời ông Jeffrey Roach - chuyên gia kinh tế trưởng tại LPL Financial - bình luận.
"Fed sẽ không đưa ra quyết định dựa trên một báo cáo. Nhưng rõ ràng rủi ro đang gia tăng. Và lạm phát hạ nhiệt không đủ nhanh như mong muốn của Fed", ông nói thêm.
Trong bài phát biểu mới nhất, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định rằng "nếu tiếp tục nhận được những báo cáo cho thấy thị trường lao động vẫn nóng, hoặc lạm phát cao hơn, rất có thể Fed phải hành động nhiều hơn và tăng lãi suất lên cao hơn mức đang được thị trường định giá".
Điều này sẽ triệt tiêu mọi động lực hỗ trợ đà tăng của giá vàng. Vàng rất nhạy cảm với lãi suất. Bởi lãi suất tăng cao khiến chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng tăng lên.
Năm ngoái, các đợt tăng lãi suất liên tiếp của Fed đã đè nặng lên thị trường vàng. Giá kim loại quý giảm mạnh từ mức cao kỷ lục hơn 2.000 USD/ounce hồi tháng 3, sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.
Vàng cũng thường biến động ngược chiều USD. Ngày 15/2, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chính khác - đã tăng lên hơn 103 điểm sau báo cáo CPI của Mỹ.
Thêm vào đó, kim loại quý vẫn đang đứng trước áp lực chốt lời. "Giá vàng đã tăng phi mã kể từ đầu tháng 12 năm ngoái, và nguy cơ vàng bước vào một đợt điều chỉnh sâu đang ngày càng cao", ông Craig Erlam cảnh báo.