Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (12/6), giá vàng thế giới ghi nhận xu hướng giảm 5 USD/ounce, hiện niêm yết ở mốc 1.955 USD/ounce. Biến động nhẹ của giá vàng thế giới đến từ việc các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý đứng ngoài trước cuộc họp bàn về vấn đề lãi suất của Fed.
Hiện thị trường dự báo lãi suất có thể được giữ ở mức 5,25%/năm trong cuộc họp sắp tới để hỗ trợ kinh tế Mỹ tránh rơi vào một cuộc suy thoái. Các dữ liệu mới đây đã cho thấy một bức tranh kinh tế sáng tối đan xen, với tăng trưởng kinh tế chậm lại, thị trường lao động thắt chặt và lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.
Công cụ FedWatch CME đang định giá khả năng tạm dừng tăng lãi suất của Fed lên tới 72%. Và nếu điều này xảy ra, đây sẽ là quyết định chấm dứt chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp kể từ tháng 1/2022 của ngân hàng trung ương Mỹ.
Biến động nhẹ của giá vàng thế giới cũng đã ảnh hưởng tới giá vàng trong nước sáng nay khi giá vàng miếng SJC tại các doanh nghiệp ghi nhận biến động giảm 50.000 đồng/lượng và giá vàng nhẫn giữ xu hướng đi ngang.
Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch sáng 12/6, giá vàng miếng SJC do Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 66,5 - 67,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Mức giá này của vàng miếng SJC đã giảm 50.000 đồng so với chốt phiên cuối tuần trước.
Dù vậy, xét trên biểu đồ giá hàng ngày, vàng miếng SJC vẫn ghi nhận mức tăng 100.000 đồng/lượng so với đầu tuần trước. Còn nếu so với giá đỉnh ghi nhận vào tuần cuối tháng 5, giá vàng miếng SJC hiện giao dịch thấp hơn 300.000 đồng/lượng và người mua vàng thời điểm đó hiện đã ghi nhận khoản lỗ gần 1 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giảm tương tự cũng ghi nhận với giá vàng miếng tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Trong đó, giá mở cửa phiên đầu tuần hôm nay ở 66,5 - 67,05 triệu/lượng, đi ngang chiều mua và giảm 50.000 đồng chiều bán so với cuối phiên tuần trước.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI sáng nay không thay đổi giá giao dịch vàng miếng so với cuối tuần trước, hiện chấp nhận mua vào ở mức 66,45 triệu/lượng và bán ra ở 67,05 triệu đồng.
Trong khi đó, vùng trên 67 triệu đồng/lượng cũng đang là giá bán phổ biến các doanh nghiệp vàng trong nước áp dụng với mặt hàng vàng miếng. Bảo Tín Minh Châu hiện niêm yết ở mức 66,52 - 67,03 triệu/lượng; Tập đoàn Phú Quý niêm yết ở 66,45 - 67,05 triệu/lượng; VietAGold cũng giao dịch với giá 66,5 - 67,12 triệu/lượng; trong khi chuỗi vàng Mi Hồng tại TP.HCM đưa ra mức 66,5 - 66,85 triệu đồng/lượng…
Với giá vàng nhẫn 24K 99,99%, mở cửa phiên giao dịch sáng nay ghi nhận xu hướng trầm lắng tại các doanh nghiệp.
Cụ thể, giá vàng nhẫn SJC loại 99,99% hiện giao dịch ở mức 55,55 - 56,5 triệu/lượng (mua vào - bán ra), đi ngang ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với kết phiên cuối tuần trước.
PNJ cũng đang chấp nhận mua vào vàng nhẫn ở mức 55,6 triệu/lượng và bán ra ở 56,6 triệu đồng; Tập đoàn Phú Quý đưa ra mức 55,5 - 56,45 triệu/lượng cho mặt hàng nhẫn tròn trơn 24K 99,99. Trong khi đó, giá vàng Rồng Thăng Long tại Bảo Tín Minh Châu phổ biến giao dịch ở mức 55,54 - 56,39 triệu/lượng, giảm 20.000 đồng/lượng…