Giá vàng thế giới duy trì xu hướng tăng, nhưng giá vàng miếng trong nước sáng nay (2/8) tiếp tục tăng mạnh hơn và nhảy vọt qua mốc 68 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới vì thế vượt 18 triệu đồng/lượng.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Lúc gần 11h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 67,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,4 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 600.000 đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 52,75 triệu đồng/lượng và 53,55 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 67,4 triệu đồng/lượng và 68,4 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng so với sáng qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 18,1 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 18 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.
Từ khi lao dốc từ hơn 67 triệu đồng/lượng về 64 triệu đồng/lượng cách đây 2 tuần, giá vàng miếng đến nay đã tăng hơn 4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 11h trưa theo giờ Việt Nam đứng ở 1.774,9 USD/oz, tăng 1,4 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương hoảng 50,3 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Trong phiên Mỹ ngày 1/8, giá vàng giao ngay tăng 6 USD/oz, đạt 1.772,5 USD/oz.
Giá vàng đang ở vùng đỉnh của 4 tuần do đồng USD tiếp tục suy yếu và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giữ đà đi xuống. Ngoài ra, vàng cũng phát huy vai trò kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD sáng nay giảm còn 105,2 điểm, từ mức 105,8 điểm vào sáng hôm qua. Đây là mức thấp nhất của chỉ số này trong vòng gần 1 tháng trở lại đây. Vàng được định giá bằng USD nên vàng thường tăng giá khi USD giảm và ngược lại.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm dưới 2,56%, thấp nhất 4 tháng, theo đó làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
Số liệu công bố ngày 1/8 cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 7 giảm tốc ít hơn dự báo. Tuy nhiên, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do Viện Nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) thực hiện để đo hoạt động của các nhà máy ở nước này đã giảm còn 52,8 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.
Ngoài ra, đầu tư xây dựng ở Mỹ giảm 1,1% trong tháng 6, khi số nhà đơn lập được khởi công sụt giảm mạnh trong bối cảnh lãi suất cho vay thế chấp nhà tăng cao.
Những số liệu này cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế, có thể dẫn tới việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bớt cứng rắn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Thời gian qua, một trong những thách thức lớn nhất đối với vàng là nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh trong bối cảnh Fed nâng lãi suất. Nhưng giờ đây, khi kinh tế Mỹ giảm tốc, triển vọng đối với giá vàng cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
“Rủi ro lớn nhất đối với giá vàng là nền kinh tế giữ được sự tăng trưởng tốt và Fed có thể cần phải tăng lãi suất mạnh hơn. Nhưng đó không phải là những gì diễn ra hiện nay. Nguy cơ Fed tăng lãi suất với bước nhảy 1 điểm phần trăm giờ đã không còn”, ông Moya dự báo nhưng cho rằng vàng sẽ vấp phải kháng cự mạnh ở mốc 1.800 USD/oz.
“Trước hội nghị thường niên Jackson Hole của Fed trong tháng 8, giá vàng có thể sẽ dao động trong vùng từ 1.725-1.800 USD/oz”, ông nói.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.220 đồng (mua vào) và 23.50 đồng (bán ra), tăng 10 đồng/USD so với hôm qua.