Trong phiên giao dịch rạng sáng nay (9/3) theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới có thời điểm chạm mốc 2.194 USD - cao nhất lịch sử. Tuy nhiên mức giá này không giữ được lâu, khi đến 9h30, giá vàng thế giới đã giảm một mạch gần 30 USD xuống còn 2.167 USD/ounce.
Tính từ đầu tuần, giá vàng thế giới đã tăng hơn 3%. Đây là tuần tăng mạnh nhất của vàng tính từ thời điểm giữa tháng 10/2023.
Giá vàng thế giới tăng vọt sau khi Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 2. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp đi lên và tăng trưởng lương chậm lại, dù hoạt động tạo việc làm mới vẫn sôi động.
Giá vàng thế giới bắt đầu chuỗi tăng giá kỷ lục từ đầu tuần này. Nguyên nhân chủ yếu là các dấu hiệu cho thấy sức ép lạm phát đã giảm, kéo theo kỳ vọng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất năm nay.
Trong khuôn khổ hai buổi điều trần trước Hạ viện và Thượng viện Mỹ tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell đều đưa ra các phát biểu ám chỉ khả năng giảm lãi vào năm nay.
"Báo cáo việc làm đang gây sức ép lên USD và củng cố kỳ vọng Fed giảm lãi suất năm nay. Đây đều là các yếu tố có lợi cho vàng", David Meger, Giám đốc Giao dịch Kim loại quý tại High Ridge Futures nhận định.
USD yếu đi sẽ giúp vàng rẻ hơn với người mua ngoài Mỹ. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng đã xuống mức 4%/năm, thấp nhất trong một tháng qua. Ngoài ra, giới phân tích còn cho rằng hoạt động mua tích trữ sôi nổi của các ngân hàng trung ương cũng là một nguyên nhân kéo giá vàng đi lên.
Tuy nhiên, việc tăng giá của kim loại quý trên thị trường thế giới không tác động tới toàn bộ doanh nghiệp vàng trong nước.
Cụ thể, trong phiên giao dịch cuối tuần đang diễn ra, giá vàng miếng chỉ tăng ở 3 doanh nghiệp lớn là Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn Phú Quý và Mi Hồng.
Trong đó mức tăng mạnh nhất 400.000 đồng đang thuộc về Tập đoàn Phú Quý. Doanh nghiệp hiện niêm yết giá vàng miếng SJC tại 79,9 - 82,1 triệu đồng/lượng. Mi Hồng tăng giá 300.000 đồng, hiện giao dịch vàng miếng SJC tại 80,3 - 81,6 triệu đồng/lượng.
SJC điều chỉnh tăng 300.000 đồng ở chiều bán ra lên 82,2 triệu đồng/lượng nhưng lại giảm 200.000 đồng ở chiều mua vào xuống còn 79,7 triệu đồng/lượng. Đây cũng là doanh nghiệp niêm yết giá mua - bán vàng miếng SJC cao nhất thị trường hiện tại.
So với kết phiên cuối tuần trước, giá vàng miếng tại đây đã tăng tới 1,5 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng ròng gần 2%. Tuy nhiên, giá mua vào và bán ra vẫn đang chênh lệch lớn khiến người mua vào cuối tuần trước vẫn đang lỗ 1 triệu đồng mỗi lượng.
Cùng giữ nguyên giá vàng miếng so với phiên giao dịch liền trước là CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ); Tập đoàn DOJI và Bảo Tín Minh Châu. Các doanh nghiệp này hiện giữ giá bán ra của vàng miếng chạy quanh mức 81,85-81,9 triệu đồng/lượng.
Mặt hàng vàng nhẫn 9999 - sản phẩm thường biến động rất sát giá vàng thế giới - cũng đang hưởng ứng đà tăng để nhích thêm tới cả nửa triệu đồng/lượng.
Cụ thể, vàng nhẫn SJC 9999 loại 1-5 chỉ tăng 550.000 đồng, giao dịch tại 67,9 - 69,15 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn 24K của PNJ tăng 550.000 đồng ở chiều mua vào lên 67,9 triệu đồng/lượng và 400.000 đồng ở chiều bán ra lên 69 triệu đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn của Phú Quý cũng bật tăng 200.000-300.000 đồng ở hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại mức 68,6 - 69,8 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng của DOJI đi ngang so với phiên giao dịch liền trước, hiện giao dịch chắc chắn tại mức 68,4 - 69,65 triệu đồng/lượng.
Tương tự, Bảo Tín Minh Châu giữ nguyên giá vàng nhẫn tròn trơn của doanh nghiệp ở mức 68,78 - 69,98 triệu đồng/lượng, không đổi so với kết phiên ngày 8/3. Tuy nhiên, vùng giá mà doanh nghiệp này đưa ra vẫn đang là giá cao nhất thị trường và cũng là mức giá cao nhất mà vàng nhẫn có được từ trước đến nay.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt (chưa bao gồm thuế, phí) vào khoảng 65 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, giá vàng thế giới hiện vẫn đang thấp hơn giá vàng miếng SJC 17 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng nhẫn khoảng 3,8-5 triệu đồng/lượng.