Cục Hàng không Việt Nam vừa nhóm họp với các hãng bay để lên kế hoạch vận tải cho dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và cao điểm du lịch hè 2023.
Năm nay, ngày Giỗ tổ Hùng Vương (29/4) nối liền với dịp 30/4 và 1/5 nên kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày (từ ngày 29/4 đến hết ngày 3/5). Theo đánh giá của các công ty lữ hành, thị trường sẽ “bùng nổ” vào cuối tháng 4, đầu tháng 5. Đây cũng là thời điểm đón đầu mùa cao điểm hè của ngành hàng không - du lịch.
Một triệu khách trong 5 ngày nghỉ
Theo dự báo của Cục Hàng không, nhu cầu đi lại của hành khách bằng đường hàng không trong 5 ngày nghỉ lễ sẽ tăng khoảng 18-20% so với cùng thời điểm năm 2019. Lượng khách bay giai đoạn này sẽ đạt xấp xỉ một triệu lượt, trong đó đặc biệt là nhu cầu du lịch, thăm thân.
Đối với thị trường nội địa, Cục Hàng không dự báo các đường bay đông đúc sẽ hướng đến điểm du lịch tại miền Bắc, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cam Ranh và Phú Quốc. Sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài vẫn là 2 đầu mối trung chuyển khách "bận rộn" nhất cả nước.
Thị trường quốc tế cũng có nhiều khởi sắc với sự hồi phục của du lịch, tuy nhiên chưa đạt được như giai đoạn trước dịch.
Bên cạnh lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound), nhu cầu du lịch nước ngoài (outbound) cũng tăng mạnh với các đường bay đưa khách Việt đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Singapore…
Để đáp ứng nhu cầu trong dịp cao điểm này, Vietnam Airlines dự kiến tăng tải cung ứng hơn 20% so cùng kỳ năm 2022, trong đó tập trung vào các ngày 28/4, 29/24, 2/5 và 3/5.
Vietjet Air cũng xây dựng kế hoạch khai thác tăng khoảng 30% so với lịch bay thường lệ. Trong khi đó, Bamboo Airways sẽ khai thác tối đa đội máy bay hiện có với khoảng 176-178 chuyến bay/ngày.
Các đường bay dự kiến được khai thác nhiều nhất là Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội/TP.HCM - Đà Nẵng, Hà Nội/TP.HCM - Phú Quốc, Hà Nội/TP.HCM - Cam Ranh.
Giá vé nội địa đắt đỏ, ưu tiên slot quốc tế
Theo ghi nhận, giá vé máy bay nội địa dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 tăng cao trong vòng 1-2 tháng trước đợt nghỉ lễ. Những chặng bay "hot" có mức giá cao hơn ngày thường vài triệu đồng. Một số chặng như Hà Nội - Phú Quốc có giá vé khứ hồi lên tới 8-9 triệu đồng.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines, nhận định giá vé máy bay trong dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay tăng cao từ sớm. Khoảng một tháng trước kỳ nghỉ, các hạng vé giá thấp đã hết, nhiều hãng chỉ còn các hạng vé giá cao. Điều này một phần do các rủi ro về dịch bệnh đã không còn, người dân có xu hướng đặt tour du lịch sớm hơn.
Trong bối cảnh loạt đề xuất của hãng hàng không như tăng trần giá vé máy bay, phụ thu chi phí nhiên liệu... chưa được Nhà nước phê duyệt, các hãng cũng có xu hướng đẩy giá vé lên "kịch trần" để tối ưu doanh thu và tháo gỡ khó khăn về dòng tiền.
Theo ông Trung, việc giá vé máy bay nội địa tăng cao còn do các hãng hàng không thúc đẩy mạnh mạng bay quốc tế. Việc điều phối cất hạ cánh (slot) tại các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài phải ưu tiên hơn cho chuyến bay quốc tế, đồng nghĩa số lượng chuyến bay nội địa giảm, gián tiếp dẫn tới việc nguồn cung vé nội địa khan hiếm và tăng giá cao.
Trước bối cảnh các chặng bay nội địa ngày càng đắt đỏ, một bộ phận khách nội địa có xu hướng cân nhắc đi du lịch bằng phương tiện khác hoặc đặt tour đi các nước trong khu vực với mức chi phí tương đương.
Trong khi đó, thị trường khách quốc tế năm nay được kỳ vọng sẽ khởi sắc sau một năm 2022 chưa đạt như mong đợi. Với việc Trung Quốc gỡ bỏ hạn chế về du lịch theo tour tới Việt Nam, các sân bay chuyên phục vụ khách du lịch quốc tế như Cam Ranh, Đà Nẵng, Phú Quốc... dự kiến đông đúc vào 30/4 và cả mùa cao điểm hè.