Nhu cầu đi lại tăng đột biến kể từ sau đại dịch Covid-19 đã khiến giá vé tăng mạnh trên nhiều tuyến hàng không. IATA cho biết người tiêu dùng có thể sẽ phải trả giá vé cao hơn, khi các hãng bay tăng cường sử dụng nhiên liệu máy bay “xanh hơn” - vốn khan hiếm để đáp ứng yêu cầu của chính phủ nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon của ngành hàng không, Guardian đưa tin.
“Chúng tôi sẽ yêu cầu ngày càng nhiều SAF (nhiên liệu hàng không bền vững). Điều đó đồng nghĩa chi phí sẽ ngày càng tăng”, Willie Walsh, Tổng giám đốc của IATA và cựu Giám đốc điều hành của British Airways, cho biết.
Trong khi một số nhà kinh tế tin rằng nhiên liệu bền vững cuối cùng có thể trở nên rẻ hơn dầu hỏa, ông Walsh cho rằng “tôi thấy chắc chắn rằng trong 10-15 năm tới, chúng ta sẽ thấy chi phí nhiên liệu tăng đáng kể”.
“Trừ khi các chi phí khác giảm để bù đắp - tôi không thấy điều đó - mọi người phải liệu trước về việc giá vé trung bình sẽ tăng”, ông chia sẻ thêm.
“Điều đó đồng nghĩa giá vé cao hơn, vì nhiên liệu hàng không bền vững đắt hơn dầu hỏa truyền thống”, ông Walsh lý giải.
Chi phí hàng không đã tăng lên đáng kể do giá dầu tăng vọt, cũng như chi phí lao động cao hơn.
Mặc dù vào mùa hè này, hành khách phải trả giá vé cao hơn trên nhiều chặng bay, IATA cho biết phân tích của họ cho thấy giá vé trên toàn thế giới vẫn ở quanh mức của năm 2019 theo giá trị thực tế vào đầu năm 2023. Cơ quan này nhận định giá vé máy bay đã đi sau lạm phát trong thời gian xảy ra đại dịch.
Trong một diễn biến khác, IATA ngày 5/6 dự báo lượng hành khách di chuyển bằng máy bay trong năm nay sẽ đạt 4,35 tỷ người - bằng 96% so với năm 2019.
Theo IATA, bên cạnh sự tăng trưởng trong số lượng hành khách, lợi nhuận của các hãng hàng không trong năm nay sẽ đạt 9,8 tỷ USD - cao gấp đôi so với con số 4,7 tỷ USD được tổ chức vận động hành lang này đưa ra vào tháng 12/2022.