Giá dầu thế giới
Giá dầu sáng ngày 12/5 (theo giờ Việt Nam) cụ thể là: giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,73 USD xuống mức 70,68 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 1,62 USD, xuống mức 74,69 USD/thùng.
Giá dầu lao dốc, xóa đi mức tăng trước đó do bế tắc chính trị về trần nợ công của Hoa Kỳ làm lu mờ cuộc họp của G7, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra ở quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Cả hai hợp đồng vẫn đang trên đà đạt được mức tăng phần trăm hàng tuần đầu tiên trong bốn tuần.
Ngân hàng Anh đã tăng lãi suất cơ bản thêm 1/4 điểm phần trăm, đưa chi phí đi vay của Vương quốc Anh lên mức cao nhất kể từ năm 2008 với lần tăng lãi suất thứ 12 liên tiếp, khi ngân hàng này tìm cách kiềm chế lạm phát nhanh nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào.
Ngày 10/5, dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ cho thấy tồn kho xăng và dầu diesel giảm trong tuần trước, phản ánh nhu cầu tăng mạnh đối với nhiên liệu vận tải trong khi dự trữ dầu thô bất ngờ tăng do dự trữ quốc gia được giải phóng và xuất khẩu giảm.
Trong khi đó, ngày 11/5, OPEC đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc trong năm nay nhưng giữ nguyên dự báo về thị trường toàn cầu, viện dẫn những rủi ro tiềm ẩn như trần nợ của Mỹ.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo trong một báo cáo hàng tháng, nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong năm 2023 sẽ tăng 2,33 triệu thùng/ngày (bpd), tương đương 2,3%. Con số này hầu như không thay đổi so với dự báo 2,32 triệu thùng/ngày vào tháng trước.
OPEC cho biết nhu cầu dầu của Trung Quốc hiện dự kiến sẽ tăng 800.000 thùng/ngày, tăng so với dự báo 760.000 thùng/ngày vào tháng trước, góp phần vào sự phục hồi sau khi các biện pháp ngăn chặn COVID-19 nghiêm ngặt bị hủy bỏ.
Con số tăng trưởng nhu cầu toàn cầu không thay đổi trong tháng thứ ba liên tiếp và OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức 2,6%, viện dẫn những rủi ro tiềm ẩn như lạm phát dai dẳng và tăng các khoản thanh toán nợ do lãi suất cao hơn.
“Ngoài ra, vấn đề trần nợ của Mỹ cho đến nay vẫn chưa được giải quyết, một vấn đề có thể gây ra hậu quả kinh tế”, OPEC cho biết trong bài bình luận kinh tế.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng ngày 12/5 được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 11/5 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương:
Cụ thể, giá xăng RON 95-III giảm xuống mức 21.000 đồng, giảm 1.320 đồng/lít, xăng E5 RON 92 là 20.130 đồng, giảm 1.300 đồng/lít.
Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Dầu diesel 17.650 đồng/lít, giảm 600 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 17.970 đồng/lít, giảm 550 đồng; dầu mazut giảm 640 đồng, có giá mới là 14.860 đồng/kg.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã quyết định trích lập 300 đồng/lít với xăng E5, RON 95 và dầu DO, dầu hỏa, dầu mazut. Nhà điều hành cũng quyết định không chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít với các loại xăng E5 và RON 95, trích lập 300 đồng/lít với các mặt hàng dầu. Như vậy, giá xăng đã giảm lần thứ ba liên tiếp.
Tính từ đầu năm, xăng dầu đã trải qua 14 lần điều chỉnh giá. Trong đó, 7 lần tăng, 6 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.