Nội dung chính
- Giá xăng dù có tăng nhưng so với cùng kỳ vẫn thấp hơn, nên không tác động nhiều đến CPI.
- Giá xăng dầu tăng do các quốc gia OPEC cắt giảm sản lượng, và được dự báo có thể tiếp tục tăng trong tương lai
- Trong trường hợp giá dầu thế giới tăng lên 96 USD/thùng, CPI vẫn chưa quá 4,5%. Việt Nam vẫn còn dư địa để duy trì chính sách tiền tệ và thúc đẩy đầu tư công, phục vụ mục tiêu chính là tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital kiêm nhà sáng lập TOPI cho rằng, mục tiêu của Chính phủ năm nay không phải là lạm phát, mà là ngăn chặn suy thoái và thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là khi tỷ giá đang được hỗ trợ bởi dòng ngoại hối thông qua các thương vụ lớn.
Giá xăng tăng chưa tác động nhiều đến CPI
“Xăng dầu thường được gọi là nhiên liệu đầu vào để chạy nền kinh tế, nên yếu tố vĩ mô chịu tác động lớn nhất sẽ là lạm phát” – ông Nguyễn Minh Tuấn nói.
Tuy nhiên, khi được hỏi giá xăng sẽ tác động ra sao đến lạm phát, chuyên gia này phân thích, năm 2022, có một chu kỳ tăng rất mạnh mẽ của giá xăng trong giai đoạn xung đột Nga – Ukraine, một mạch từ mức 22.000 đồng lên đến hơn 30.000 đồng. Việt Nam đã phải giảm thuế bảo vệ môi trường để ổn định giá xăng dầu, và giờ giá đang tăng trở lại. Tuy nhiên, mức giá hiện tại vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, giá xăng dù có tăng nhưng so với cùng kỳ lại thấp hơn, nên mức tác động của giá xăng tăng lên CPI giao thông, qua đó tác động đến CPI chung là thấp.
CPI chung được quyết định phần lớn bởi 3 nhóm CPI thành phần. Thứ nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, thứ hai là nhà ở và vật liệu xây dựng và thứ ba là nhóm giao thông. Giá xăng sẽ tác động lớn nhất đến nhóm thứ ba này.
Chia sẻ mô hình được xây dựng bởi các chuyên gia phân tích từ AFA Capital, CEO Tuấn giả định, trong số 3 mặt hàng tác động lớn nhất đến CPI chung là thịt heo, điện và xăng.
Nếu thịt heo và giá điện không đổi, và giá xăng tăng 4,67%. Thì CPI giao thông sẽ tăng khoảng 2,32%. Các chuyên gia AFA Capital dự phóng CPI chung tháng 4 sẽ tăng 0,46% so với tháng trước, 4,1% so với cùng kỳ và tăng 4,16% so với đầu năm.
Tại sao giá xăng dầu tăng?
Cung cấp thông tin về lý do giá xăng dầu trong nước tăng, ông Tuấn cho biết, giá xăng dầu trong nước chịu tác động của giá xăng dầu thế giới. Giá và sản lượng lại được quyết định các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Mỗi khi thấy nhu cầu suy giảm, để bù đắp nhu cầu đó, OPEC cắt giảm sản lượng và tăng giá.
Sau một loạt sự kiện trên thị trường tài chính thế giới, bao gồm việc SVB phá sản mới đây, vào ngày 2/4, OPEC công bố cắt giảm sản lượng và điều này đẩy giá dầu lên vượt ngưỡng 85 USD/thùng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Đầu tư JP Morgan, với xu hướng này, giá dầu có thể tiếp tục tăng lên đến lên đến 96 USD/ thùng. Giá dầu thế giới tăng đã trực tiếp tác động đến quyết định tăng giá xăng vừa qua của Liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Liên Bộ lý giải, trong kỳ điều hành lần này (từ ngày 03/4/2023-11/4/2023), thị trường xăng dầu thế giới chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã đồng ý nâng sản lượng cắt giảm tự nguyện từ tháng 5 lên 1,6 triệu thùng mỗi ngày để ổn định thị trường toàn cầu; tâm lý lo ngại lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế toàn cầu…; các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng xu hướng nhìn chung là tăng.
Vẫn còn dư địa cho chính sách tiền tệ và thúc đẩy đầu tư công
Trong trường hợp giá dầu tăng lên 96 USD/thùng như dự báo của JP Morgan trong tháng này, giá xăng có thể lên đến 27.400 đồng. Nếu vẫn giả định giá thịt heo và điện không đổi thì CPI chung có thể tăng 4,3%. Với chỉ tiêu lạm phát là 4,5%, Việt Nam vẫn còn dư địa để duy trì chính sách tiền tệ và thúc đẩy đầu tư công.
Theo góc nhìn của ông Nguyễn Minh Tuấn, các nhà điều hành chính sách Việt Nam đang tập trung duy trì tăng trưởng GDP, trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, như suy giảm sức cầu thế giới, đặc biệt là từ các bạn hàng rất lớn của Việt Nam là Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, CEO này cũng cảnh báo, giá xăng dầu Việt Nam đã đạt đỉnh vào tháng 6/2022, sau đó giảm do giảm thuế bảo vệ môi trường, tạo mức nền thấp. Nếu giá xăng tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2023, lúc này, lạm phát có thể bị ảnh hưởng.
Từ 15h ngày 11/4, theo thông tin phát đi bởi Liên Bộ Tài chính - Công Thương về việc điều hành giá xăng dầu, Liên Bộ quyết định tăng thêm 1.090 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi đó xăng RON 95 tăng 1.120 đồng/lít.
Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 23.170 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.240 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 710 đồng lên 20.140 đồng/lít, giá dầu hỏa tăng 700 đồng lên 19.730 đồng/lít.
Nhận định của ông Nguyễn Minh Tuấn được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền số ngày 12/04/2023: Giá xăng tăng, liệu lạm phát có tăng? Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.