Chiều 1/12, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ.
Theo đó, cơ quan điều hành quyết định giảm 1.000 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi giá xăng RON 95 giảm 1.080 đồng/lít. Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.670 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.700 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu kỳ điều hành này cũng tiếp tục giảm mạnh. Cụ thể, dầu diesel giảm 1.590 đồng/lít còn 23.210 đồng/lít. Hiện, giá dầu vẫn cao hơn giá xăng trong nước.
Như vậy, giá các mặt hàng xăng trong nước đã có lần giảm thứ 2 liên tiếp sau 4 lần tăng. Tính đến nay, mặt hàng xăng đã trải qua 32 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng và 14 lần giảm, một lần giữ nguyên.
Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 21/11, Petrolimex dương 1.344 tỷ đồng, PVOil âm 711 tỷ đồng, Saigon Petro 265 tỷ đồng, Petimex là 330 tỷ đồng...
Theo ghi nhận của Zing, hiện nay tình hình nguồn cung, chiết khấu xăng dầu đã ổn định trở lại. Một số cửa hàng trước đây đóng cửa nay cũng đã mở bán bình thường, người dân dễ dàng mua nhiên liệu. Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng cho biết mức chiết khấu xăng dầu tăng dần và đang ở mức 200-300 đồng/lít.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, sáng 1/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương rút kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, khắc phục triệt để tình trạng thiếu xăng dầu.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, quý IV năm nay, Bộ Công Thương đã phân giao tổng nguồn cung xăng dầu tối thiểu là 5,5 triệu m3 cho 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Ngoài ra, Bộ này cũng đưa ra 2 kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu trong năm 2023. Theo đó, kịch bản một, mức phân giao tăng trưởng 10% so với năm nay tương đương 25,9 triệu m3/tấn; kịch bản 2 mức phân giao tăng trưởng 15%, tương đương 26,76 triệu m3/tấn.
Theo Bộ Công Thương, trong phân giao này cần tách bạch tương đối giữa sản lượng nhập khẩu và mua hàng sản xuất trong nước. Nếu doanh nghiệp nào không có đủ năng lực thì liên kết với nhau để nhập. Từng doanh nghiệp phải có sản lượng nhập để khẳng định trong mọi tình huống có nguồn cung ra thị trường.
Cũng bắt đầu từ ngày 1/1/2023, Bộ Công Thương sẽ thống nhất quản lý hệ thống kinh doanh xăng dầu đối với doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối bằng công nghệ số do đơn vị này chủ trì.