Ngày 21/7, Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 18/7 tiếp tục giảm so với kỳ trước.
Cụ thể, xăng RON 92 là 112,72 USD /thùng, RON 95 ở mức 117,4 USD /thùng. Trong khi bình quân giá xăng kỳ điều hành trước là 149,59 USD /thùng xăng RON 92; 156,21 USD /thùng xăng RON 95 và 137,41 USD /thùng dầu diesel.
Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 128,7 USD /thùng xăng RON 92; 136,53 USD /thùng xăng RON 95 và 146,7 USD /thùng dầu diesel.
Trao đổi với Zing, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phía Nam cho biết tính đến nay, giá xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore đang thấp hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 2.500-3.000 đồng/lít, còn dầu diesel, dầu hỏa khoảng 1.000-1.500 đồng/lít.
Do đó, kỳ điều hành ngày 21/7, giá xăng có thể giảm tương ứng khoảng 2.500-3.000 đồng/lít; còn dầu diesel cũng tiếp tục giảm mạnh khoảng 1.500 đồng/lít. Nếu cơ quan quản lý trích quỹ bình ổn, giá các mặt hàng xăng có thể giảm ít hơn.
Tuy nhiên, do quỹ bình ổn vẫn âm nên dự báo cơ quan chức năng sẽ tiếp tục trích lập quỹ bình ổn để có dư địa điều hành giá xăng dầu các kỳ tới. Như ở kỳ điều hành ngày 11/7, liên bộ đã trích gần 1.000 đồng/lít khiến giá xăng không thể giảm sâu tới hơn 4.000 đồng. Đây là mức trích lập cao kỷ lục.
Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại miền Bắc cũng dự báo giá xăng dầu kỳ điều hành tới sẽ giảm rất mạnh vì giá dầu thô tiếp tục lao dốc sau ngày 11/7. "Giá bán lẻ xăng sẽ lùi thêm khoảng 2.000-3.000 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.200-1.700 đồng/lít", người này nói.
Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần giảm thứ 3 liên tiếp, đưa giá xăng E5 RON 92 và RON 95 về mốc 25.000-26.500 đồng/lít. Mức giá này sẽ tương đương thời điểm cuối tháng 2 và có thể giúp giá hàng hóa, dịch vụ hạ nhiệt.
Tính đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 18 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 5 lần giảm; lần giảm giá mạnh nhất là kỳ điều hành ngày 11/7 là 3.110 đồng/lít và lần tăng mạnh nhất gần 3.000 đồng/lít. Sau kỳ điều chỉnh vừa qua, các mặt hàng xăng đã xuống dưới 30.000 đồng/lít, tương đương mức giá vào thời điểm giữa tháng 3.
Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu không còn nhiều, các doanh nghiệp lớn âm quỹ. Trong đó, Petrolimex âm 140 tỷ đồng (đến ngày 11/7), PVOil âm 1.098,07 tỷ đồng (tính đến 11/7)...
Trong Nghị quyết 85 vừa ban hành ngày 18/7, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo Chính phủ, cấp có thẩm quyền về phương án điều chỉnh, giảm các loại thuế đối với xăng dầu theo quy định.
Theo dữ liệu của Trading Economics rạng sáng 20/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu và giá dầu WTI lần lượt là 107 USD /thùng và 103,9 USD /thùng.
Giá dầu thô thế giới đã trở lại đà tăng sau nhiều ngày lao dốc mạnh do nỗi sợ suy thoái. Nói với Zing, các chuyên gia cho rằng lo ngại về nguồn cung thắt chặt đã trở lại chi phối thị trường.
Còn theo chuyên gia tài chính Jeffrey Halley tại hãng tư vấn Asia Pacific Oanda (có trụ sở ở Singapore), thị trường dầu toàn cầu đang dồn sự chú ý vào việc nối lại dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu. Đợt bảo trì của đường ống Nord Stream 1 dự kiến kết thúc vào ngày 21/7.
"Tình trạng khan hiếm trên thực tế vẫn hỗ trợ giá dầu. Nếu Nga không nối lại dòng chảy khí đốt sang châu Âu vào cuối tuần, giá dầu thô Brent có thể một lần nữa trở lại gần 110 USD /thùng", ông dự báo.