Tỷ phú người Ấn Độ Gautam Adani chính là người không ngừng làm xáo trộn các bảng xếp hạng tỷ phú thế giới trong thời gian qua.
Theo Bloomberg, sau khi trở thành người giàu thứ 3 thế giới, ông Adani từ một người kín tiếng bỗng xuất hiện nhiều hơn trên truyền thông, với mục đích mở đường cho đế chế kinh doanh của mình. Sau khi khối tài sản mà ông sở hữu đột nhiên tăng vọt, tập đoàn vốn chỉ tập trung vào nhiên liệu hóa thạch của ông đã lấn sân sang rất nhiều lĩnh vực mới và hoạt động ở cả bên ngoài Ấn Độ thay vì chỉ tập trung vào thị trường nội địa như trước.
Trong bối cảnh này, ông Adani buộc phải thay đổi bản thân để thích ứng với sân chơi toàn cầu. Ông cần phải thuyết phục thế giới rằng tỷ phú than đá nay đã trở thành người thống lĩnh năng lượng sạch. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những “người canh gác” trên thị trường vốn thế giới, nơi ông sẽ huy động vốn để thực hiện những tham vọng khổng lồ.
Tăng trưởng cùng quốc gia
Được đánh giá là người thân cận với Thủ tướng Modi hơn bất kì doanh nhân nào khác, trọng tâm chiến lược kinh doanh của ông Adani trong thập kỷ vừa qua chính là hỗ trợ phát triển kinh tế Ấn Độ. Những tham vọng của tập đoàn Adani cũng luôn đồng điệu với các ưu tiên của chính phủ, trong đó nổi bật nhất là mục tiêu mang nguồn điện ổn định đến cho người dân.
Hiện tại, ông đã xây dựng một chuỗi cảng và trung tâm dịch vụ hậu cần, giúp tăng cường an ninh năng lượng của đất nước và giảm thiểu sự phân chia thành thị - nông thôn bằng cách cung cấp điện cho hàng trăm triệu người ở vùng khó khăn.
Đồng thời ông Adani cũng giúp tăng cường an ninh lương thực trong nước bằng cách xây dựng một chuỗi cung ứng nông nghiệp hiện đại và trao quyền cho nông dân. Ông đã góp phần tạo ra hàng chục nghìn công ăn việc làm ở quê hương mình.
Đến năm 2022, ông Adani còn trở nên thân thiết với Chính phủ Ấn Độ hơn nữa khi cổ phiếu của 7 công ty đại chúng thuộc tập đoàn này chiếm tới 7% tổng giá trị vốn hóa thị trường, đạt 255 tỷ USD. Nhờ có nguồn tài chính này, ông Adani càng có thể hỗ trợ Chính phủ trong việc phát triển kinh tế và an sinh xã hội của Ấn Độ.
Theo đó, ông cam kết đến năm 2030 sẽ đầu tư 70 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch. Tháng trước, tập đoàn của ông Adani hé lộ rằng đã rót số vốn 7,2 tỷ USD vào các dự án khai thác quặng sắt và nhôm. Mới đây tập đoàn còn chi 10,5 tỷ USD để thâu tóm công ty xi măng Holcim.
Ngoài ra, Adani Group còn chuyển hướng sang các lĩnh vực mới mẻ như truyền thông và kỹ thuật số, sân bay, trung tâm dữ liệu và viễn thông - tất cả những ngành nghề đa dạng mà Ấn Độ cần tới.
Than đá - bài toán khó giải quyết
Khởi nghiệp với ngành cảng biển và phát triển bằng điện than đá, hai điều này từng là niềm tự hào và là động lực chính giúp ông Adani trở thành tỷ phú. Tuy nhiên, khai thác than đá lại đang trở thành một trong những vấn đề lớn nhất khiến ông Adani khó chuyển mình sang "giấc mơ năng lượng xanh".
Với ông, sự kết hợp của năng lượng mặt trời, năng lượng gió cùng với năng lượng hydro sẽ mở ra một chân trời mới cho Ấn Độ.
Chính vì vậy, ông Adani mới đây đã quyết định đầu tư 70 tỷ USD vào nhà máy điện mặt trời với hi vọng biến đế chế của mình trở thành nhà sản xuất năng lượng sạch lớn nhất thế giới vào cuối thập kỷ này. Cũng trong bài phát biểu mới nhất, ông gần như không nhắc đến nguồn năng lượng hiện tại là than đá, để có thể hòa hợp hơn với các nhà quản lý quỹ năng lượng sạch.
Thế nhưng theo tổ chức SumOfUs, hoạt động khai mỏ của các công ty trong tập đoàn Adani vẫn đang đóng góp ít nhất 3% lượng khí thải carbon dioxide trên toàn cầu. Các mảng kinh doanh chính phụ thuộc vào loại nhiên liệu hóa thạch này hiện đóng góp tới 62% doanh thu của tập đoàn, và than đá vẫn là nhân tố quan trọng trong tham vọng tự lực tự cường của Thủ tướng Modi.
Chỉ trong 2 năm gần đây, Adani đã mua 8 mỏ than mới ở Ấn Độ, nâng tổng con số lên 17 và còn dự định mua thêm nữa.
Hơn nữa, sự phụ thuộc này còn rất khó để cải thiện bởi các hoạt động sản xuất chính của Adani Group phần lớn vẫn dựa vào than đá. Kể cả trong tương lai gần, khi thị trường năng lượng đang khủng hoảng, khai thác mỏ than và kinh doanh điện than vẫn sẽ là nguồn thu nhập chủ yếu của tập đoàn Adani.
Đây sẽ là vấn đề ưu tiên mà tỷ phủ Adani phải tìm cách cải thiện nếu muốn hiện thực hóa "giấc mộng năng lượng xanh".
Lên kế hoạch để thay đổi
Để thực hiện ước mơ của mình, ông Adani đã đặt ra hai mục tiêu chính là thay đổi định kiến về văn hóa doanh nghiệp và kêu gọi nguồn vốn.
Cách đây vài năm, ông liên hệ với Bảo tàng Khoa học London - một trong những định chế văn hóa danh giá nhất của Anh - với mong muốn trở thành nhà tài trợ. Cuộc trao đổi không suôn sẻ lắm vì bảo tàng đã nhận thấy rằng Adani Enterprises có chỉ số bảo vệ môi trường rất thấp, dưới cả những ông lớn dầu mỏ như Saudi Aramco và Exxon-Mobil.
Tuy nhiên, Adani Enterprises cuối cùng vẫn thành công trở thành nhà tài trợ và tổ chức được 1 cuộc triển lãm có tên “Energy Revolution: The Adani Green Energy Gallery” (tạm dịch: Cuộc cách mạng năng lượng - Triển lãm năng lượng sạch của Adani). Mặc dù sự kiện vấp phải sự phản đối của nhiều người, đây vẫn là một trong những bước đầu để Adani Group thể hiện sự thay đổi trong kinh doanh.
Giờ đây câu hỏi lớn nhất dành cho Adani là liệu ông có thể thuyết phục được những định chế tài chính cho vay vốn hay không. Trong khi các ngân hàng quốc tế như Standard Chartered và Barclays đã đồng ý tài trợ, một trong những quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới PIMCO đã từ chối cấp vốn cho dự án xây cảng của Adani vì những lo ngại liên quan đến than đá.
Với các nhà quản lý tài sản toàn cầu có xu hướng phi carbon hóa danh mục đầu tư, những bài phát biểu thể hiện tham vọng năng lượng xanh của Adani là chưa đủ để thuyết phục họ rót tiền.
Hiện nay, cổ phiếu của Adani vẫn được nhà đầu tư đánh giá cao vì “họ là tập đoàn duy nhất của Ấn Độ tập trung vào năng lượng và cơ sở hạ tầng xanh”. Tuy nhiên, các nhà đầu tư toàn cầu đang ngày càng trở nên nhạy cảm hơn với vấn đề môi trường, và ông Adani bắt buộc phải cam kết chấm dứt sử dụng than đá nếu muốn hiện thực hóa những tham vọng của mình.