Đảo quốc sư tử từ lâu đã được biết đến là một quốc gia hưng thịnh, giàu có.
Chỉ trong hơn một thế hệ, Singapore nhanh chóng thăng hạng từ "Thế giới thứ 3" (thường được sử dụng để chỉ các nước đang phát triển có mức sống thấp) lên "Thế giới thứ nhất" (nói đến các quốc gia dân chủ có nền kinh tế tư bản, trình độ khoa học kỹ thuật tiến bộ, người dân sống sung túc).
Ở cấp độ cá nhân và gia đình, “giấc mơ Singapore” được xem như vươn lên từ nghèo đói hoặc thu nhập thấp để trở thành tầng lớp trung lưu, theo The Straits Times.
Không có định nghĩa cụ thể nào cho nhóm nhân khẩu học này, nhưng các số liệu khách quan được sử dụng phổ biến nhất thường đề cập đến nghề nghiệp, thu nhập và loại nhà ở.
Ai thuộc tầng lớp trung lưu?
Câu hỏi được đặt ra là “Vì sao năng động và có công việc kinh doanh tốt là 2 yếu tố quan trọng với giới trung lưu?”. Nguyên nhân có thể xuất phát từ mục tiêu cuối cùng của họ là có được cuộc sống tương đối thoải mái, an toàn.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ước mơ này ngày càng khó chạm tới trong một thế giới đầy biến động, không chắc chắn và phức tạp.
Bất chấp điều đó, hầu hết người dân Singapore có xu hướng coi mình là tầng lớp trung lưu.
Trong trí tưởng tượng của họ, những tiêu chuẩn xoay quanh cụm từ “trung lưu” thường là thành công kinh tế, được định hình vào những năm 1990, bằng việc sở hữu 5 yếu tố vật chất thông thường: tiền mặt, căn hộ chung cư, ôtô, thành viên câu lạc bộ và thẻ tín dụng.
Gần đây, mục tiêu đó được mô tả là khả năng chuyển đổi từ nhà ở xã hội sang nhà riêng, phương tiện giao thông công cộng sang xe cá nhân. Bất động sản vẫn là trụ cột chính của những tham vọng này.
Giấc mơ trên chỉ có thể đạt được nếu người lao động tiếp tục làm những công việc được trả lương tương xứng với sự chăm chỉ và năng lực hoặc thăng tiến lên vị trí quản lý cấp cao.
Ngoài ra, con đường dẫn đến thành công còn phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống giáo dục công bằng, dễ tiếp cận, linh hoạt và thành tích thi cử. Đây cũng là cơ chế phân loại học sinh vào các con đường khác nhau và quỹ đạo nghề nghiệp trong thế giới việc làm.
Dữ liệu từ Cục Thống kê cho thấy 54% hộ gia đình Singapore sống trong các đơn vị nhà ở công cộng 4 phòng hoặc lớn hơn, trong khi 22% chọn các căn nhà tư nhân.
Hơn một nửa trong đó được đưa vào nhóm có mức lương trung bình - đại diện cho tầng lớp trung lưu.
Vào năm 2022, Bộ Nhân lực ghi nhận tổng thu nhập từ công việc là 5.070 USD và 10.099 với hộ gia đình.
Theo các chuyên gia, không có gì ngạc nhiên khi giới trung lưu được coi là gần với phân khúc có lương thưởng thấp hơn so với những người có địa vị kinh tế xã hội cao.
Trong một cuộc khảo sát của phòng thí nghiệm xã hội tại Viện Nghiên cứu Chính sách, 42% số người được hỏi tự nhận mình thuộc phân khúc khá giả.
Tuy nhiên, khi được yêu cầu xác định vị trí của mình trong cấu trúc giai cấp gồm 6 loại, các nhà phân tích nhận thấy tỷ lệ những người đánh giá bản thân là tầng lớp trung lưu đã tăng lên 86%. Phần lớn họ cảm thấy mình đã làm tốt hơn thế hệ trước.
Không dễ có cuộc sống an nhàn
Thế nhưng, bước nhảy vọt từ nhà ở xã hội sang căn hộ tư nhân hoặc đổi phương tiện đi lại ngày càng trở nên khó khăn với giới trẻ ở đảo quốc sư tử khi giá bất động sản và chi phí sinh hoạt tăng vọt.
Không ít người thuộc giới trung lưu đang phải đối mặt với tình trạng bấp bênh khi việc làm và tiền lương không ổn định. Một số khác lo lắng về việc không thể duy trì lối sống thoải mái trong tương lai.
Điều đó được thể hiện trong 2 thập kỷ qua, khi Singapore chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ do đại dịch Covid-19 gây ra, căng thẳng toàn cầu leo thang, tỷ lệ lạm phát cao, cũng như sự dịch chuyển về công nghệ, gián đoạn kỹ thuật số.
Trong “kỷ nguyên vàng” - cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 - bằng cấp và trình độ chuyên môn là 2 yếu tố chủ chốt để đưa một người gia nhập vào tầng lớp trung lưu.
Nhưng ngày nay, những tiêu chuẩn đó là chưa đủ và không thể hứa hẹn điều gì về một cuộc sống dư dả.
Thay vào đó, các thế hệ trẻ Singapore phải tiếp tục chạy, chăm chỉ hơn và nhanh hơn trước đây để đạt được thành tựu như cha mẹ của họ.
Mặc dù các biện pháp gần đây của chính phủ đã giúp giảm thiểu phần nào tác động từ lạm phát, mất an ninh việc làm và thu nhập trong tương lai gần, những điều đó vẫn không đủ để xoa dịu nỗi lo lắng của người dân, nhất là khi con cái họ đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt tài chính.
Lawrence Wong, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong, đã đề cập trong một bài phát biểu vào tháng 4/2023, người Singapore có xu hướng tập trung vào các định nghĩa vật chất về thành công, chẳng hạn lương thưởng và loại tài sản sở hữu. Điều đó khiến họ đặt thêm gánh nặng cho bản thân.