Ông Nguyễn Hoài Chung - Nhà Sáng lập và Giám đốc điều hành sàn giao dịch logistics quốc tế Phaata đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương xung quanh giải pháp tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh xuất khẩu đang sụt giảm.
Ông Ngô Hoài Chung cho biết, đáng lẽ thời điểm này là khoảng thời gian mùa cao điểm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam nhưng thị trường năm nay diễn ra rất ảm đạm và hoàn toàn khác trước đây. Cụ thể là, nhu cầu vận chuyển hàng hóa sụt giảm rất mạnh, giá cước giảm mạnh liên tục hàng tuần, có những tuần giảm mạnh hơn 10%.
Ví dụ, ở cùng thời điểm này năm 2021, giá cước vận chuyển container 40 feet hàng thường từ Hồ Chí Minh đến Los Angeles ở Bờ Tây nước Mỹ khoảng 10.000-12.000 USD/40'GP thì nay giá cước giảm mạnh chỉ còn khoảng 1.500 USD/40’GP; và giá cước vận chuyển container 40 feet từ Hồ Chí Minh đến New York ở Bờ Đông nước Mỹ khoảng 13.000-15.000 USD/40'GP thì nay giá cước giảm mạnh chỉ còn khoảng 4.500 USD/40'GP.
Theo ông Ngô Hoài Chung, trước tình hình môi trường kinh doanh biến động mạnh như hiện nay ở cả quốc tế và trong nước, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đều đang phải đối mặt với 6 thách thức lớn là: Số đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng nghiêm trọng buộc lòng cắt giảm công nhân, thu hẹp sản xuất. Mức độ cạnh tranh với các đối thủ trong nước lẫn quốc tế đang gay gắt hơn để có được đơn hàng nhằm duy trì hoạt động. Đơn giá bán có xu hướng giảm mạnh. Chi phí đầu vào của các doanh nghiệp xuất khẩu bị tăng cao do lạm phát. Lãi suất tăng cao và doanh nghiệp xuất khẩu hiện đang rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng. Tỷ giá USD tăng cao khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu tăng; đồng thời gián tiếp làm chậm đơn hàng vì nhiều khách hàng nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng bởi tỷ giá USD.
Ngoài việc bị sụt giảm mạnh đơn hàng phải thu hẹp sản xuất như nêu trên, ông Ngô Hoài Chung nhận định rằng, khó khăn lớn nhất mà phần lớn các doanh nghiệp đang phải đối mặt đó là phải dự báo và tính toán tổng thể làm sao để vẫn đảm bảo duy trì được hoạt động cho doanh nghiệp ở trạng thái tối ưu nhất, tiết kiệm chi phí vận hành nhất trong giai đoạn khó khăn này. Để khi thị trường ấm lại, doanh nghiệp có thể chuyển đổi trạng thái thật nhanh, để nắm bắt được nhiều cơ hội và nhanh chóng triển khai được nhiều đơn hàng.
“Mặc dù, ở giai đoạn này, các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp rất nhiều thách thức, nhưng đồng thời thị trường cũng sẽ mang đến nhiều cơ hội mới trong tương lai” - ông Ngô Hoài Chung nhận xét.
Trong bối cảnh khó khăn trên, theo ông Ngô Hoài Chung, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể cân nhắc đánh giá lại tổng thể tình hình thị trường, khách hàng, sản phẩm, lợi thế cạnh tranh... để đưa ra chiến lược kinh doanh mới phù hợp hơn.
Cụ thể, bên cạnh các thị trường truyền thống lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu nên chủ động tìm kiếm các thị trường mới khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng nên cân nhắc phát triển thêm thị trường ở trong nước với quy mô dân số lên đến 100 triệu dân hiện nay. Đặc biệt, trước áp lực tỷ giá, doanh nghiệp cũng cần linh hoạt trong phương thức thanh toán, cân nhắc khả năng thay thế đồng tiền thanh toán khác thay vì chỉ tập trung vào đồng USD.
“Khi kinh tế toàn cầu suy thoái cũng sẽ mở ra cơ hội thuận lợi để đàm phán giá mua đầu vào và chính sách hỗ trợ tốt hơn từ các nhà cung cấp. Các doanh nghiệp xuất khẩu nên cố gắng tận dụng tốt giai đoạn này để có thể tối ưu được chi phí đầu vào”- ông Ngô Hoài Chung nói.
Cũng theo ông Chung, với vai trò kết nối của sàn giao dịch logistics, Phaata đã và đang giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có cơ hội tiết kiệm chi phí logistics và tối ưu được hoạt động logistics thông qua việc tìm kiếm được giá cước vận chuyển và dịch vụ logistics tốt hơn từ toàn thị trường một cách nhanh chóng và thuận tiện. Bởi lẽ khi chi phí logistics giảm xuống, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tăng được khả năng cạnh tranh và tăng cơ hội để giành lấy được nhiều đơn hàng trước các đối thủ của mình.