‘Nhà 1 đô’ từ đâu mà có?
Hiện tại, trên toàn nước Ý có hơn hai mươi thị trấn rao bán những ngôi nhà bỏ hoang với giá 1 EUR, tương đương khoảng 1 đô la Mỹ. Đây là các thị trấn nhỏ nơi vùng quê hẻo lánh, đang phải đối mặt với sự sụt giảm dân số đáng kể trong vòng vài thập kỷ trở lại đây bởi nhiều nguyên do.
Năm 1968, ở Sicily xảy ra một trận động đất lớn, gây thiệt hại đến mức nhiều chủ nhà thà nhận tiền bảo hiểm rồi chuyển đi nơi khác, thay vì tốn tiền sửa sang lại nhà cửa. Trên khắp nước Ý, người trẻ cũng lũ lượt bỏ lên thành phố để thoát li thị trường lao động nghèo nàn đất quê nhà.
Tại Sambuca (thuộc Sicily), kể từ những năm 50 của thế kỷ 20, dân số đã giảm khoảng 30% và đến nay chỉ còn trên 5.000 người sinh sống. Ở thị trấn đồi núi Molise vùng Nam Ý, từ năm 2014 đến giờ họ đã mất gần 9.000 cư dân. Nhìn chung, trong vòng 20 năm qua, đã có hơn một triệu người rời khỏi các vùng hẻo lánh ở Ý để đến với đô thị hoặc ra nước ngoài sinh sống.
Chính sách ‘biệt đãi’ thu hút dân di cư
Sau các làn sóng di cư, chỉ còn lại những thị trấn xinh xắn nhưng toàn nhà bỏ hoang, với nhóm dân cư già cùng nền kinh tế đang đứng bên bờ vực. Để hồi sinh lại những vùng đất này, chính quyền các nơi đã thực hiện chiến dịch rao bán nhà với giá 1 đô (tiếng Ý: ‘Case a 1 euro’) kể từ đầu năm 2019.
Ở Molise, đối với mỗi cư dân chịu chuyển đến đây sinh sống và khởi nghiệp, chính quyền thị trấn thậm chí còn chu cấp cho khoảng 800 đô/tháng trong vòng ba năm.
Những căn nhà 1 đô nằm rải rác khắp nước Ý. Nguồn: 1eurohouses
Câu chuyện ‘nhà 1 đô’ lan đi toàn thế giới. Hầu như người mua và di cư đến từ Mỹ và Bắc Âu, có cả phóng viên, ca sĩ, diễn viên và quan trọng nhất là có người trẻ cả nam lẫn nữ. Các ngôi nhà được mua lại để làm nhà nghỉ, kinh doanh Airbnb hay nhà ở định cư.
Có thật sự chỉ mất 1 đô?
Để sở hữu một căn ‘nhà 1 đô’ này, thông thường người mua phải nộp đơn đăng ký cho chính quyền địa phương hoặc thông qua công ty bất động sản. Đôi khi, nhà lại được rao bán qua đấu giá, khởi điểm là 1 đô nhưng giá cuối cùng thì cao hơn hẳn. Ở Sambuca, đã có hơn 100.000 người tham gia đấu giá cho 16 căn nhà, nên có thể hình dung giá sẽ bị đẩy lên đến mức nào. Chốt phiên đấu, căn nhà có thể được bán với giá vài nghìn đô. Được biết, giá cao nhất của một căn nhà được bán thông qua đấu giá là 28.000 đô.
Một số căn nhà 1 đô nhìn từ bên ngoài
Mua xong rồi, chủ mới phải nộp các loại thuế, phí lên tới 400 đô. Đồng thời, họ cần ký hợp đồng với chính quyền địa phương và đặt cọc từ 2.000 đến 6.000 EUR tùy theo từng vùng, trung bình là 5.000 EUR. Theo hợp đồng, chủ sở hữu phải bắt đầu cải tạo nhà trong vòng một năm, hoàn thiện với thiết kế đã được duyệt trong vòng ba năm thì sẽ được lấy lại cọc.
Hầu như các ngôi nhà đều trong tình trạng xuống cấp, tường mốc, mái dột, nên hợp đồng thường đi kèm yêu cầu phải chi ít nhất 17.000 đô để cải tạo. Nếu người mua đang ở nước ngoài thì việc cải tạo còn kéo dài và gặp nhiều khó khăn khác.
Bên trong một căn ‘nhà 1 đô’ có 6 phòng ngủ ở Mussomeli
Tính tổng lại, một căn ‘nhà 1 đô’ sẽ tốn khoảng ngần này:
Còn nếu mua lại trên thị trường thứ cấp thì thay vì 1 đô, có thể phải trả khoảng 20.000 đô cho một căn nhà. Tờ Forbes còn từng đăng tin về một trường hợp chủ nhà phải đầu tư tận 124.000 đô để cải tạo một ngôi nhà ở Sambuca. Nghe thì có vẻ nhiều, nhưng so với các căn bình thường khác ở châu Âu, ví dụ như ở Bỉ, thì sẽ tốn cả triệu đô. Cho nên nhiều người mua vẫn cho như thế là ‘rẻ’ với họ.
Đến nay, chiến dịch ‘nhà 1 đô’ này đã tỏ ra hiệu quả. Ở Sambuca, 16 ngôi ‘nhà 1 đô’ đã bán được chỉ trong vài tháng. Còn ở Mussomeli, trong năm 2021 đã có hơn 100 ngôi nhà tìm được chủ mới. Hiện chiến dịch vẫn còn đang tiếp tục và người mua có thể nộp đơn xin mua với nhiều lựa chọn khác nhau.