Theo thống kê, từ năm 2014 đến hết tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 1.617 dự án được giao đất, cho thuê đất, với tổng diện tích 7.863,82 ha.
Trong 1.617 dự án, đến nay đã có 1.102 dự án (khoảng 68,15 %) đã hoàn thành đầu tư, bảo đảm tiến độ, đưa đất vào sử dụng; 208 dự án (chiếm 12,86 %) đang thực hiện đầu tư bảo đảm tiến độ; 247 dự án (chiếm 15,28 %) đầu tư chậm tiến độ, nhưng chưa quá 24 tháng; 60 dự án thuê đất (chiếm 3,71 %) đầu tư chậm tiến độ và đã quá 24 tháng, vi phạm điểm i khoản 1 điều 64 Luật Đất đai 2013.
NHIỀU DỰ ÁN NGHÌN TỶ BỎ HOANG
Những năm qua, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 654 lượt dự án, trong đó phát hiện 164 dự án chậm tiến độ, đã quá 24 tháng (60 dự án phát sinh từ khi luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực như nêu trên). Trong 164 dự án chậm tiến độ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi đất 21 dự án, với tổng diện tích 89,88 ha; gia hạn tiến độ 88 dự án.
Trong số những dự án chậm tiến độ trên, trước tiên phải kể đến dự án Khu công nghiệp Hoàng Long, dự án nằm trên địa phận TP Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa. Dự án được khởi công cuối tháng 9/2015 trên diện tích gần 287 ha, do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 2.300 tỷ đồng. Dự kiến, sau khi hoàn thành sẽ tạo việc làm cho 60.000-80.000 lao động. Song, sau gần một thập kỷ, nơi triển khai dự án vẫn chỉ là khu đất hoang, cỏ mọc um tùm.
Tháng 4/2022, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn gửi các sở, ngành liên quan yêu cầu làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC để thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án Khu công nghiệp Hoàng Long.
Sau khi có chỉ đạo trên, cổng chào và nhiều biển hiệu quảng cáo về dự án đã được tháo dỡ. Tỉnh Thanh Hóa cũng có văn bản thống nhất với đề nghị của Sở Xây dựng về chủ trương điều chỉnh quy hoạch phân khu dự án khu công nghiệp Hoàng Long thành khu đô thị thông minh.
Tiếp đến là dự án Nhà máy Xi-măng Thanh Sơn, dự án này được khởi công xây dựng năm 2009 tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc với tổng mức đầu tư 1.430 tỷ đồng, công suất 950.000 tấn/năm, do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thăng Long (đóng tại TP Hà Nội) làm chủ đầu tư.
Nhà máy Xi-măng Thanh Sơn dự kiến đi vào hoạt động trong quý I/2010. Tuy nhiên, khu đất có tổng diện tích gần 40 ha sau 13 năm vẫn chỉ là một bãi đất trống, cỏ cây mọc um tùm.
Đang “chết yểu” là vậy, tuy nhiên vào năm 2021, chủ đầu tư nhà máy xi măng Thanh Sơn đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị nâng công suất lên 2,5 triệu tấn/năm, gấp gần 3 lần công suất ban đầu. Việc này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ người dân xã Thúy Sơn và cả chính quyền địa phương.
Nhiều lần, UBND huyện Ngọc Lặc đã có văn bản báo cáo tỉnh Thanh Hoá về việc bỏ quy hoạch Nhà máy xi măng Thanh Sơn và đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu đất trên là đất công nghiệp định hướng thu hút các ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường...
Trong danh sách dự án “nghìn tỷ” chậm tiến độ tại Thanh Hoá, không thể không kể đến dự án thủy điện Hồi Xuân tại huyện Quan Hóa. Dự án thủy điện Hồi Xuân có tổng mức đầu tư hơn 3.320 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư cũ là Tổng công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam không thu xếp được nguồn tài chính. Năm 2014, dự án được chuyển giao cho Công ty Dịch vụ Thương mại Sản xuất và Xây dựng Đông Mê Kông.
Để dự án đi vào vận hành, chủ đầu tư cần hoàn thành các phần việc như: Bồi thường giải phóng mặt bằng, thi công một số hạng mục và công trình dân sinh, đấu nối vào lưới điện quốc gia... Tuy nhiên, vì tiếp tục thiếu vốn, dự án lại dừng thi công từ 2019 đến nay.
Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa từng nêu rõ: “Dự án chậm tiến độ, thi công dở dang đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân vùng dự án; tạo điểm nóng, gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài và thiệt hại kinh tế, lãng phí tài nguyên...”.
LOAY HOAY TÌM GIẢI PHÁP
Thực trạng các dự án chậm tiến độ gây lãng phí đất đai từng làm “nóng” nghị trường trong cuộc họp của HĐND tỉnh Thanh Hóa.
Nhiều đại biểu đã “truy” trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi để xảy ra tình trạng dự án chậm tiến độ, gây lãng phí cũng như nguyên nhân từ đâu? Đất sau thu hồi sẽ sử dụng như thế nào? Có tình trạng nhà đầu tư lợi dụng quy định lập dự án để chuyển nhượng nhằm tư lợi hay không? Có dự án bị thu hồi do chậm giải phóng mặt bằng, mà trách nhiệm giải phóng mặt bằng là của Nhà nước hay không? Tỉ lệ các dự án thanh tra, kiểm tra còn khiêm tốn?...
Thông tin về việc này, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, lý giải: “Nguyên nhân các dự án chậm tiến độ là do công tác thẩm định yếu kém, nhà đầu tư yếu kém. Nguyên nhân nữa là do nhà đầu tư yếu về tài chính, và cá biệt có nhà đầu tư chuyển nhượng dự án để kiếm lời”.
Đối với dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn được cấp sổ đỏ, giao đất từ năm 2009 nhưng dự án dừng từ năm 2010 đến nay, ông Giang cho biết: “Dự án xác định chậm, phải thu hồi, nhưng không thu hồi được vì Văn phòng Chính phủ có văn bản cho gia hạn đến sau năm 2015, mà sau năm 2015 là không biết đến thời điểm nào. Và 35,78 ha vùng nguyên liệu của Nhà máy xi măng Thanh Sơn đã xác định khu vực đất quốc phòng. Hiện UBND tỉnh đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, và Bộ Xây dựng đã vào làm việc với tỉnh, chúng tôi kiên quyết đề nghị thu hồi dự án và hiện nay và đang chờ chỉ đạo của Thủ tướng”.
Về thực trạng các dự án chậm tiến độ, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá, cho biết: “HĐND tỉnh Thanh Hóa sẽ yêu cầu UBND tỉnh thực hiện nghiêm túc các vấn đề mà UBND tỉnh đã hứa. Đồng thời, yêu cầu rà lại tất cả các dự án trước và sau khi luật Đất đai 2013 có hiệu lực, báo cáo HĐND tỉnh trước ngày 30/9”.