Vốn FDI đăng ký bằng 89%
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam đạt 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam thu hút được 2.036 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt gần 12,45 tỷ USD, giảm 18,4% so với năm 2021; 1.107 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 10,12 tỷ USD, tăng 12,2%.
Đánh giá về dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022 sụt giảm 11% so với năm 2021, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Mức sụt giảm này đã thể hiện rõ khó khăn chung trong ngắn hạn của nền kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam trước nhiều rủi ro và biến động trong năm 2022.
Khó khăn ấy đã khiến xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu chững lại, mặc dù đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên thế giới và tại Việt Nam, nhưng do ảnh hưởng từ một số yếu tố những cơ bản như: Căng thẳng tại một số quốc gia trên thế giới; áp lực giá cả và lạm phát tăng cao; nhu cầu hàng hoá toàn cầu có xu hướng giảm; điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng thắt chặt; đứt gãy chuỗi cung ứng chưa được khắc phục hoàn toàn... đã ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư.
“Những yêu tố này đang gây áp lực giảm đáng kể lên dòng vốn FDI toàn cầu trong năm 2022, ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam, tác động làm giảm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2022” - bà Nguyễn Thị Hương thông tin.
Tuy nhiên, cũng theo nhận định của đại diện Tổng cục Thống kê: Tổng vốn FDI đăng ký trong năm 2022 giảm 11%, nhưng vẫn có tín hiệu tích cực. Trong tổng vốn đăng ký thì cấu phần vốn đầu tư điều chỉnh lại tăng mạnh cả về vốn đầu tư cũng như số lượt dự án điều chỉnh trong năm 2022 so với cùng kỳ: Tăng 12,2% số vốn và tăng 12,4% số lượt điều chỉnh. Mức tăng này đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư của Việt Nam an toàn và đã đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, trong năm 2022, nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn, như: Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 920 triệu USD; dự án Công ty TNHH điện tử Samsung tại TP. Hồ Chí Minh tăng trên 841 triệu USD; dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD.
Đặc biệt, một điểm sáng trong bức tranh FDI trong năm 2022 không thể không nhắc đến đó là dòng vốn FDI giải ngân trong năm 2022 đạt 22,4%, tăng 13,5% so với năm 2021. Đây được đánh giá là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Điều đó khẳng định, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Nâng cao chất lượng dòng vốn ngoại
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2022, Việt Nam thu hút được khoảng 440 tỷ USD vốn FDI đến từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dòng vốn FDI thời gian qua đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, cũng như tạo công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nguồn lực đất đai, lao động để phục vụ cho các dự án FDI đang dần bị thu hẹp, tới đây, VIệt Nam cần thực thi nhiều giải pháp để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng thông qua việc: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn lao động, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển. Chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện; ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu.
Việt Nam cũng cần tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng. Cần loại bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Rà soát toàn bộ các khu công nghiệp: các khu công nghiệp cần ưu tiên mở rộng, xây mới, các khu công nghiệp cần thu hẹp. Công bố danh sách các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng... để thu hút đầu tư.
Đặc biệt, theo đại diện Tổng cục Thống kê, để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, bên cạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, VIệt Nam cần xây dựng cơ chế ưu tiên doanh nghiêp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước. Song song với đó, các doanh nghiệp trong nước cần phải nỗ lực nâng cao năng lực công nghệ, chất lượng lao động.
Để thu hút dòng vốn FDI chất lượng, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững. Cùng với đó, chủ động, theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng FDI vào Việt Nam để có những điều chỉnh chính sách phù hợp trong việc thu hút dòng vốn FDI có chất lượng.