Toàn ngành du lịch hiện đang tích cực thực hiện các giải pháp nhằm thu hút khách quốc tế, bởi mùa cao điểm du lịch quốc tế ở nước ta thường kéo dài từ tháng 9 năm nay đến hết tháng 5 năm sau. Tuy vậy, nhiều đơn vị quản lý, doanh nghiệp lữ hành đều có ý kiến cho rằng, chính sách về thị thực (visa) nước ta vẫn cần cởi mở hơn nữa. Báo cáo từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy chính sách miễn thị thực đơn phương, cấp visa điện tử đã được triển khai nhưng tính chất cạnh tranh còn thấp.
Những yêu cầu cấp bách
Tại cuộc họp bàn tròn lữ hành toàn quốc 2022, chủ đề “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam”, bàn về nguyên nhân khách quốc tế đến Việt Nam còn ít, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng du khách quốc tế thường đòi hỏi một lộ trình kế hoạch cụ thể từ 6 tháng – 1 năm trước khi khởi hành. Trong khi đó, tháng 3 vừa qua chúng ta mới chính thức mở cửa du lịch, do đó những tháng sau mở cửa chưa thể lập tức có đông khách ngay.
Một phần nữa, dịch bệnh kéo dài khiến người tiêu dùng toàn cầu thắt chặt chi tiêu, rồi giá xăng dầu tăng, chiến tranh, biến chủng phụ Omicron lây lan... đã kéo theo rất nhiều hệ lụy khiến cho khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt con số như mong muốn.
Đồng tình với ý kiến này, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch cho biết: "Mặc dù lượng khách quốc tế còn khiêm tốn nhưng đã có những dấu hiệu khá tích cực. Tính bình quân 7 tháng đầu năm thì mức tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam là 62% một tháng. Bên cạnh đó, lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú, hàng không quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng khoảng 60 đến 75 % và là một trong bốn quốc gia có mức tăng trưởng tìm kiếm du lịch cao nhất”.
Trên thực tế, phục hồi và phát triển du lịch quốc tế không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp và trên 2 triệu lao động du lịch, mà còn là yêu cầu cấp bách của hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ trong cả nước sống dựa vào ngành du lịch.
Ông Nguyễn Thiên Phúc, giám đốc sản phẩm Vidotour Indochina Travel, kiến nghị cần nhất lúc này là khôi phục chính sách miễn thị thực như cũ trước 2019. Phải tạo thuận lợi cho khách quyết định vào giờ chót. Rất nhiều khách quốc tế có nhu cầu vào Việt Nam vì công việc, kinh doanh, đối tác gấp nhưng thủ tục visa bao giờ cũng lâu và khó dẫn đến họ phải chọn nước khác.
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Giám đốc Điều hành Công ty Du lịch Allez Voyage, nêu thực trạng: Doanh nghiệp đã đón được những đoàn khách từ thị trường Mỹ, nhưng Việt Nam mới cho phép khách lưu trú 15 ngày, trong khi du khách muốn lưu trú tại Việt Nam lâu hơn. Đa số các nước trong khu vực Đông Nam Á miễn thị thực cho khách quốc tế từ 30 ngày và có thể gia hạn trước khi hết hạn, việc Việt Nam chỉ cấp visa 15 ngày nên doanh nghiệp khó tổ chức những đoàn quy mô lớn.
Để khắc phục những rào cản nói trên, các doanh nghiệp du lịch kiến nghị, thời gian tới Việt Nam cần áp dụng thị thực xuất - nhập cảnh nhiều lần, có giá trị miễn visa 30 ngày, thay vì 15 ngày như hiện nay. Ngoài ra, mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các nước như: Mỹ, Ấn Độ, Canada, Australia, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan… Riêng với thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu cần thuận tiện hơn, giảm bớt giấy tờ và thủ tục.
Từ phản ảnh của các doanh nghiệp, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao xem xét mở rộng các quốc gia, vùng lãnh thổ được miễn visa và được thực hiện chính sách e-visa; khôi phục việc cấp visa tại cửa khẩu đối với một số trường hợp khách có nhu cầu gấp nhập cảnh vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, khách đến Việt Nam mắc Covid-19, được điều trị tại chỗ, sau khi khỏi bệnh muốn rời Việt Nam thì cũng cần đơn giản hơn về thủ tục và triển khai cấp visa điện tử cho các trường hợp này.
Xem xét mở rộng cấp thị thực điện tử
Ngày 23/8 mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 262 kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch năm 2022 bàn về tình hình triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi du lịch. Theo đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ VH-TT-DL chủ trì tổ chức rà soát, đánh giá lại tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để đề xuất, kiến nghị các giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp.
Để khắc phục những rào cản nói trên, các doanh nghiệp du lịch kiến nghị, thời gian tới Việt Nam cần áp dụng thị thực xuất - nhập cảnh nhiều lần, có giá trị miễn visa 30 ngày, thay vì 15 ngày như hiện nay.
Đồng thời, đề nghị Bộ này khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính giải quyết những vấn đề vướng mắc để giải ngân nguồn kinh phí từ Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch phục vụ các nhiệm vụ tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam. Song song đó, cơ quan này phải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và cơ quan liên quan rà soát, đề xuất việc kiến nghị mở rộng danh sách các nước, vùng lãnh thổ có tiềm năng gửi khách du lịch đến Việt Nam được xét cấp thị thực điện tử (e-visa).
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải tiến quy trình, thủ tục cấp thị thực điện tử tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam; nghiên cứu mở rộng danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ được cấp thị thực điện tử, báo cáo Chính phủ trong năm 2022.
Nhằm đạt được mục tiêu đề ra là đón 5 triệu du khách quốc tế trong năm nay, Tổng cục Du lịch hiện định hướng kết nối lại tất cả thị trường có chính sách thông thoáng cho người dân đi du lịch nước ngoài, ví dụ như: châu Âu, Mỹ, Úc và thị trường mới nổi như: Trung Đông, Ấn Độ.
Bên cạnh đó, cần có những giải pháp đồng bộ về sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, xúc tiến quảng bá. Đẩy mạnh quảng bá chương trình "Live fully in Việt Nam" hướng tới thị trường khách quốc tế qua hoạt động E-marketing, qua website và mạng xã hội cũng như là chuẩn bị những hoạt động xúc tiến quảng bá tại chỗ.
Cụ thể, du lịch Việt Nam sẽ tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế JATA (JATA Tourism Expo) tại Nhật Bản từ ngày 22 - 25/9. Tiếp đó là Hội chợ Du lịch thế giới WTM (World Travel Market) tại Vương quốc Anh từ ngày 7-9/11. Bên cạnh đó là các lễ hội, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, châu Âu, Bắc Mỹ, Australia...).
Về phía doanh nghiệp, bên cạnh đề xuất tạo thông thoáng trong thủ tục cấp visa, doanh nghiệp du lịch cũng kiến nghị Nhà nước kéo dài thời gian triển khai các chính sách hỗ trợ, như: Nhà nước tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% không chỉ trong năm 2022 mà duy trì chính sách hỗ trợ này trong năm 2023. Đồng thời, ngành ngân hàng nên cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ và không áp dụng lãi phạt chậm trả cho các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đến hết năm nay…