Ảnh minh họa.
Giảm năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm để được hưởng lương hưu là một trong những nội dung quan trọng nhận được góp ý nhiều tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong đó, băn khoăn chủ yếu là việc lo ngại về mức lưởng lương hưu sẽ thấp khi giảm năm đóng, không đủ để đảm bảo cuộc sống cho người về hưu.
Nên có mức sàn lương hưu?
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ, giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu là chính sách rất tốt, nhằm đảm bảo cho những người lao động tham gia thị trường lao động muộn, hoặc thời gian tham gia không liên tục có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí. Đây là chế độ đảm bảo an sinh cơ bản nhất cho người lao động, từ đó tăng độ bao phủ số người được hưởng chế độ hưu trí – là chế độ an sinh tốt nhất.
Như nhiều ý kiến lo ngại về việc giảm năm đóng thì mức hưởng lương hưu thấp, ông Quảng cho rằng điều này là có cơ sở, bởi lẽ lương hưu căn cứ vào mức đóng, vậy nên rõ ràng giảm năm đóng thì tiền lương hưu sẽ thấp, nhưng khi người lao động có lương hưu dù ở mức thấp thì họ vẫn được đảm bảo chế độ an sinh hơn là không có chế độ trợ cấp nào.
Hơn nữa, mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống.
Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu và trong các năm qua, dù tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022.
“Thời gian qua, lương hưu liên tục được điều chỉnh, như vậy vẫn đảm bảo cuộc sống cho người về hưu. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn nên có mức sàn lương hưu dù mức hưởng hiện vẫn theo nguyên tắc đóng - hưởng. Mức sàn này để đảm bảo mức sống tối thiểu, đây cũng là chính sách rất tốt nhằm tạo điều kiện hưởng để nhiều người được hưởng lương hưu hơn, cũng như giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần”, ông Quảng chia sẻ.
Ngoài mức lương hưu thấp, nhiều ý kiến lo ngại về việc giảm năm đóng song tuổi nghỉ hưu vẫn giữ nguyên, khiến nhiều người lao động trong các khu công nghiệp cũng không “mặn mà” ở lại hệ thống, bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng Phòng Truyền thông và phát triển đối tượng (Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội) nhìn nhận, thực tế trong các khu công nghiệp có đặc thù ngành nghề, thường sử dụng các lao động trẻ và có sức khỏe nhiều hơn, độ tuổi ngoài 35 - 40 không phù hợp với các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, theo bà Châu, cần nhìn rõ vấn đề là đến một thời điểm có thể họ không còn phù hợp với công việc ở khu công nghiệp, nhưng vẫn phù hợp với công việc khác vì vẫn còn tuổi lao động, còn sức khỏe. Do đó, cần có cơ chế đối với các khu công nghiệp về việc đào tạo cho những lao động lớn tuổi để chuyển đổi nghề nghiệp, hoặc xắp xếp những công việc khác sau khi rời nhà máy để họ tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội sau đó có lương hưu.
“Đừng suy nghĩ sau tuổi 35 – 40, lao động các khu công nghiệp không thể làm việc nữa mà chỉ chờ đợi hưởng lương hưu, mà họ vẫn có cơ hội để cống hiến. Vì vậy, cần xây dựng các chế độ đối với khu công nghiệp, hoặc chuyển đổi nghề cho những công nhân này để họ có công ăn việc làm”, bà Châu nhấn mạnh.
Tăng tính chia sẻ cho người có lương hưu thấp
Góp ý về việc giảm năm đóng bảo hiểm xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng việc sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu so với quy định của pháp luật hiện hành để người lao động có thể được hưởng lương hưu sớm hơn trong trường hợp đã đủ tuổi và có thời gian đóng từ đủ 15 năm trở lên là phù hợp.
Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ liên quan đến bảo hiểm tại Hà Nội. Ảnh - N.Dương.
Tuy nhiên, do cách tính mức lương hưu của người nghỉ hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, do vậy, việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp nghỉ hưu ở mức lương hưu thấp. Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn và đề nghị tăng tính chia sẻ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.
Cũng gửi góp ý về Ban soạn thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ khuyến khích người dân đóng bảo hiểm tự nguyện, giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Tuy vậy, việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm có thể dẫn tới lương hưu thấp bởi nguyên tắc cơ bản là đóng - hưởng (tiền đóng cao, thời gian dài thì lương hưu cao và ngược lại). Đối với người lao động có tiền đóng bảo hiểm hằng tháng thấp, thời gian đóng ngắn thì mức lương hưu sau này khó đảm bảo mức sống tối thiểu. Vì vậy, Bộ này đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật cân nhắc và bổ sung thêm luận chứng trong đánh giá tác động chính sách.
Trước đó, cho ý kiến về việc giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, quy định về mức lương hưu hằng tháng gắn liền với quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội.
Do đó, đảm bảo tính khả thi, tính chính xác và bảo đảm tối đa quyền lợi cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về mức lương hưu hằng tháng tại dự thảo Luật, nhất là trong bối cảnh quy định giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm.
Theo lộ trình, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6/2023, trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 10/2023, bỏ phiếu thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024.