Khó đạt được mục tiêu về công nghệ cao
Báo cáo thường niên về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) thực hiện cho thấy, số lượng dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Hoa Kỳ và châu Âu mới chỉ chiếm 5%, trong khi đó công nghệ lạc hậu vẫn chiếm tới 15%.
Bên cạnh đó, sau hơn 35 năm thu hút, vốn đầu tư nước ngoài vẫn chủ yếu tập trung ở một số ngành có trình độ công nghệ thấp để tận dụng chi phí nhân công giá rẻ như: Dệt may, da giày, chế biến gỗ và một số ngành nghề chế biến thực phẩm, lắp ráp. Hiệu quả kinh tế của nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với quy mô vốn, năng lực và những ưu đãi được hưởng.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - cho rằng: Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã đưa ra định hướng, chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Cụ thể, Nghị quyết đã đưa ra những mục tiêu chủ yếu về vốn đầu tư nước ngoài đăng ký, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện và tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản lý hiện đại, bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2021-2025; 2026-2030. Trong đó, nêu rõ, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng tới công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.
Từ kết quả báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho thấy, để hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 50-NQ/TW trong thu hút đầu tư thực sự là bài toán không hề đơn giản.
Rõ ràng về quan điểm thu hút đầu tư nước ngoài
Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được đánh giá ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào Việt Nam thời gian qua, quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, công nghệ của các dự án FDI tại Việt Nam đa số vẫn chỉ ở mức trung bình.
Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, một số nhà đầu tư đến Mỹ, EU, Nhật Bản thì họ đầu tư sử dụng công nghệ cao, tuy nhiên, khi đến Việt Nam đầu tư, họ lại mang tới dây chuyền công nghệ khác. Trong đó, có nhiều quy trình công nghệ chỉ mua thô, tạm nhập, tái xuất. Cho nên khi cấp phép dự án đầu tư, các cơ quan chức năng cần thẩm định kỹ hồ sơ dự án để biết được máy móc, công nghệ, dây chuyền, mặt hàng sản xuất họ sẽ đưa vào Việt Nam là gì?. Từ đó cần đưa ra bộ tiêu chí chọn lọc đầu tư nước ngoài thời gian tới để địa phương dễ dàng thực hiện.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, Việt Nam cần đưa ra những tiêu chuẩn chọn lọc đầu tư nước ngoài khắt khe hơn để nâng cao hiệu quả đầu tư. Muốn làm được như vậy, chúng ta cần xây dựng tiêu chí thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó phải rõ ràng quan điểm trong thu hút dòng vốn ngoại, nhấn mạnh đến việc ưu tiên thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài có hàm lượng công nghệ cao.
Trên thực tế, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 58/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thiết lập một bộ tiêu chí lựa chọn các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài rõ ràng và có chọn lọc hơn.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 7 tiêu chí được sử dụng để đánh giá và xem xét phê duyệt các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó tiêu chí về công nghệ nêu rõ: Doanh nghiệp công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ cao nhằm thực hiện hóa quan điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng, tập trung vào các dự án có công nghệ tiên tiến trở lên. Trên cơ sở đó, dự án được hưởng ưu đãi đầu tư nếu đáp ứng 3 tiêu chí, bao gồm: Thứ nhất, tỷ lệ doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp trong tổng doanh thu thuần hàng năm; Thứ hai, tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm; Thứ ba, tỷ lệ số lượng lao động có trình độ chuyên môn từ đại học, cao đẳng trở nên thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp.
Về tiêu chí chuyển giao công nghệ được lựa chọn để hướng tới các dự án lớn, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến từ các tập đoàn đa quốc gia. Tiêu chí này nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam, lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước. Tiêu chí này được xây dựng trên cơ sở: Công nghệ được chuyển giao là công nghệ thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; số lượng doanh nghiệp Việt Nam được chuyển giao công nghệ để thực hiện mục tiêu về lan tỏa công nghệ đối với doanh nghiệp trong nước.