Những tháng cuối năm ở Mỹ, với hàng loạt dịp lễ như Halloween, Black Friday, Boxing Day, lễ Tạ ơn, Giáng sinh, nhiều nhà hàng lớn liên tiếp chạy chiến dịch quảng cáo để thúc đẩy doanh thu trong bối cảnh ngày càng nhiều người dân lựa chọn dùng bữa tại nhà.
Tờ CBS News đưa tin, thịt ức gà tây đã tăng giá 60%, mức kỷ lục trong năm nay. Theo dữ liệu phân tích mới từ Market Intel, với mức lạm phát cao chưa từng thấy trong gần 40 năm qua, giá gà tây bán lẻ đã tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lễ Tạ ơn sắp đến gần và sau đó là Giáng sinh, nhiều người Mỹ lo lắng rằng họ sẽ phải chi tiêu rất nhiều cho dịp cuối năm này. Giá đồ ăn trung bình tại các nhà hàng hay các quán cà phê tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021 và chạm mốc 91,4%. Theo một khảo sát vừa công bố của Công ty Phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường IRI (Mỹ), gần 75% số người tiêu dùng đang phải cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng hàng ngày.
Bản nghiên cứu “Tín hiệu nhu cầu hàng tiêu dùng nhanh” của IRI cho thấy, 50% số người cho biết họ đặt ít đồ ăn hơn và 47% cho biết sẽ hạn chế ăn, uống ở nhà hàng, quán bar hoặc quán cà phê.
Theo WSJ, chi tiêu bán lẻ của người tiêu dùng Mỹ đã có sự thay đổi lớn trong tháng 9. Cụ thể, chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu, chẳng hạn như thực phẩm để tiêu thụ tại nhà tăng mạnh, trong khi các mặt hàng giảm giá như đồ nội thất, đồ điện tử không còn được săn đón như trước. Người Mỹ cũng tăng cường mua hàng tại các cửa hàng quần áo trong bối cảnh các hãng bán lẻ tung ra chương trình khuyến mãi giảm giá sâu để đẩy hàng tồn.
Trong tình hình đó, một cuộc khảo sát gần đây do trang web tài chính cá nhân Bankrate thực hiện, 79% người trưởng thành ở Mỹ dự định thay đổi kế hoạch du lịch cuối năm do giá cả tăng phi mã. 32% người được hỏi cho biết việc đi nghỉ dưỡng cuối năm sẽ gây áp lực không hề nhỏ cho ngân sách của họ.
Trong số những người Mỹ lên kế hoạch cho các chuyến đi vào dịp lễ Tạ ơn và đón mừng năm mới, 26% nói rằng họ sẽ đi du lịch ít ngày hơn; 25% sẽ chọn chỗ ở và điểm đến có giá mềm hơn; 23% sẽ đi quãng đường ngắn hơn và 23% khác sẽ lựa chọn lái xe thay vì đi máy bay.
Theo tờ Fox10, giá vé máy bay trong tháng 9 đã tăng hơn 40% so với cùng tháng năm 2021, tốc độ nhanh nhất được ghi nhận. Báo cáo Du lịch Kỳ nghỉ của NerdWallet cũng cho thấy 37% du khách đi nghỉ quan tâm đến việc họ sẽ phải trả thêm bao nhiêu chi phí cho chuyến du lịch vào cuối năm nay vì lạm phát.
Thông thường, từ ngày 24/11 đến 1/1 là thời điểm du lịch Mỹ nhộn nhịp nhất. Theo ứng dụng đặt phòng du lịch Hopper, giá vé máy bay và khách sạn trong kỳ nghỉ lễ dự kiến sẽ tiếp tục tăng, với giá vé máy bay đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Bà Sarah Sullivan của công ty Jetset World Travel cho biết: "Tôi thấy các chuyến du lịch theo hộ gia đình là bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lạm phát trong kỳ nghỉ trong tới. Nhiều gia đình đang tìm kiếm các địa điểm trong nước thay vì nước ngoài do họ không thể mua quá nhiều vé với chi phí tăng cao".
Dữ liệu của Hopper cũng chỉ ra rằng các chuyến bay nội địa vào ngày Giáng sinh có giá trung bình là 435 USD (hơn 10 triệu đồng) cho giá vé khứ hồi, tăng 55% so với năm ngoái, trong khi giá vé khứ hồi vào dịp Lễ Tạ ơn là khoảng 281 USD (gần 7 triệu đồng), tăng 25% so với năm ngoái.
Cuộc khảo sát của Bankrate cũng cho thấy, 84% khách du lịch nghỉ dưỡng có thu nhập hộ gia đình hàng năm dưới 50.000 USD (1,2 tỷ đồng) đang thay đổi kế hoạch của họ do lạm phát và giá cả tăng cao. Các hộ gia đình có thu nhập cao hơn cũng không tránh khỏi việc cân nhắc chi tiêu hợp lý. Đối với các hộ gia đình kiếm được 100.000 USD (2,4 tỷ đồng) trở lên, tỷ lệ thay đổi kế hoạch nghỉ dưỡng là 70%.
Theo các chuyên gia, lễ Tạ ơn và Giáng sinh năm nay đang được định hình là kỳ nghỉ lễ đắt đỏ nhất với du khách trong 5 năm trở lại đây. Tại Mỹ, thành phố New York được dự báo có mức tăng giá phòng khách sạn tới 8,2% cao nhất trên toàn quốc. Còn tờ Nước Mỹ hôm nay trích ý kiến phân tích cho thấy, giá trung bình một phòng ở tại Mỹ sẽ tăng gần 7% so với năm ngoái lên 134 USD. Theo phân tích, nhu cầu mạnh, sức chứa hạn chế và thiếu nhân công là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải và đắt đỏ của dịch vụ du lịch trong mùa nghỉ lễ.