Cần thừa nhận động thái mua ròng của khối ngoại là hoàn toàn hợp lý
Khối ngoại tiếp tục ghi nhận thêm một tuần mua ròng nghìn tỷ, giá trị mua ròng tuần qua vượt mức 1.800 tỷ đồng. Nhận xét về động thái này, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC cho rằng trước hết phải thừa nhận hành động của khối ngoại là hoàn toàn hợp lý.
"Họ đang tận dụng thời điểm dòng tiền trong nước hạn hẹp, để huy động nguồn lực mua gom cổ phiếu giá rẻ. Nhà đầu tư cá nhân trong nước hoàn toàn có thể áp dụng chiến lược đầu tư trên nếu còn lượng tiền mặt lớn trong tài khoản rồi chờ đợi chốt lời khi cung tiền trong nước dồi dào hơn- điều có thể xảy ra từ đầu năm 2023", vị chuyên gia này cho hay
Bên cạnh đó, các cổ phiếu được mua phần lớn nằm trong rổ VNDiamond - đều được đánh giá cao về chất lượng doanh nghiệp, cùng độ an toàn để “sống sót” qua chu kỳ kinh tế khó khăn hơn. Do đó, việc gom những mã cổ phiếu này cũng là lựa chọn tốt để phòng thủ tài khoản, hoặc nắm giữ trong tầm nhìn trung hạn từ 6 tháng đến 3 năm. Cơ hội tích luỹ cổ phiếu tốt với giá rẻ, nhưng cần chọn lọc vì định giá rẻ vẫn có thể rẻ hơn.
Trong khi đó, nhận xét về diễn biến chỉ số trong tuần giao dịch vừa qua, ông Đạt đánh giá động lượng tăng điểm càng rõ ràng hơn, không chỉ trên thị trường cơ sở mà cả hợp đồng tương lai cũng ghi nhận độ chênh lệch dương thể hiện tâm lý lạc quan hơn.
Trên biểu đồ kỹ thuật, VN-Index đã tiến sát lên cạnh trên của hộp Darvas (980 điểm), đây cũng là đường trung bình động MA20 mà thị trường nhiều lần không thử thách thành công tuy nhiên bối cảnh lần này khác so với những lần áp sát cản trước đây khi có sự đồng thuận từ các nhóm ngành dẫn dắt và không có ngành nào là gánh nặng tiêu cực. Do đó, vị chuyên gia này dự báo chỉ số sẽ có nhịp hồi phục từ đầu tuần, sau đó dao động dưới biên độ kháng cự 980-1.000 điểm. Xét về dài hạn, sau những đợt điều chỉnh mạnh trong 2022, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã rơi vào mức thấp khi cả 2 chỉ số định giá P/E và P/B đều thấp hơn mức trung bình 10 năm. Ông Đạt tiếp tục đánh giá cao cơ hội mua gom cổ phiếu ở vùng chỉ số dưới 1.000 điểm cho tầm nhìn trung hạn.
Tuy nhiên, cũng cần để ý rằng bức tranh vĩ mô Việt Nam đang dần suy yếu theo xu hướng suy thoái chung của thế giới. Nhà đầu tư cần chú ý tỷ trọng giao dịch, tránh rượt đuổi những cổ phiếu "định giá rẻ" mà không tìm hiểu kỹ để tránh rủi ro khó lường do định giá rẻ vẫn có thể rẻ hơn.
Ngoài ra, vị chuyên gia đến từ DSC lưu ý rằng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút có thể biến giá cổ phiếu tưởng rẻ trở thành đắt. Thực tế, cổ phiếu của một doanh nghiệp được cho là có "định giá rẻ" có thể do doanh thu và lợi nhuận năm 2022 ghi nhận tốt nhờ nền kinh tế khởi sắc hậu COVID. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường vốn khó tiếp cận, nhu cầu suy yếu, nhiều khả năng lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ tiếp tục suy giảm trong thời gian tới, từ đó làm tăng P/E, khiến định giá tưởng rẻ trở nên đắt.
Về thanh khoản, quan sát trong quá khứ, ông Đạt chỉ ra rằng thị trường sẽ phục hồi thanh khoản bền vững chỉ trong trường hợp VN-Index vượt hẳn lên trên MA20 ngày. Còn hiện tại, dòng tiền chưa thể ổn định, ngoài ra tuần qua còn ghi nhận hai yếu tố khác không thể không kể tới là nhịp “bắt đáy” thất bại tại NVL đã nhốt hơn 3.000 tỷ đồng lượng tiền chờ mua trên thị trường vào một cổ phiếu liên tục giảm sàn. Cùng với đó theo thống kê thì hiệu ứng mùa vụ World Cup có ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến và thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tín hiệu tích cực là trong tuần qua, biên bản của cuộc họp NHTW Mỹ đầu tháng 11 đã được phát hành và hầu hết các thành viên FED đều đồng ý sẽ giảm tốc độ lãi suất điều hành trong thời gian tới để đánh giá ảnh hưởng từ các chính sách thắt chặt tới nền kinh tế, nhưng vẫn hướng đến mức lãi suất mục tiêu trên 5% cho 2023. Do đó, Việt Nam nhiều khả năng sẽ có các chính sách đồng pha để đảm bảo ổn định tỷ giá.