Trong phần chất vấn tại HĐND TP.HCM sáng 8/12, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương, trả lời đại biểu xoay quanh biến động giá cả, kiểm soát chỉ số giá cả, phòng chống hàng gian, hàng giả, quản lý thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng...
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị lỗ
Đại biểu Nguyễn Thị Nga, huyện Hóc Môn, đặt câu hỏi về việc cung ứng hàng hóa cho thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán như thế nào; tình trạng thiếu hụt xăng dầu; công tác quản lý Nhà nước trong cấp phép, quản lý các trang thương mại điện tử, livestream bán hàng; đề án logictics của thành phố...
Về tình hình kinh doanh xăng dầu ở TP.HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thành phố có 549 cửa hàng bán lẻ, 61 cửa hàng nhập khẩu và 16 tư nhân phân phối. Các doanh nghiệp hoạt động cung ứng bình thường, đầy đủ cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc tiếp cận xăng dầu của doanh nghiệp phân phối vừa qua có gián đoạn. Theo ông Vũ, những nguyên nhân chính gồm nguồn cung hàng ở Việt Nam phụ thuộc vào thị trường quốc tế; chi phí logistics gia tăng; ghi nhận giá cơ sở chưa phù hợp dẫn đến doanh nghiệp nhập khẩu kinh doanh bị lỗ.
Giám đốc Sở Công Thương lý giải thêm về hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp vay theo lý thuyết thì đủ, nhưng thực tế lại khác, dẫn đến nguồn cung giai đoạn vừa qua khó khăn. Theo thống kê, 37 cửa hàng bán lẻ xăng dầu vừa qua không nhập được hàng phải tạm ngưng.
TP.HCM đã chia sẻ khó khăn này bằng cách xin Bộ Công Thương, kiến nghị Trung ương các giải pháp quan trọng trong điều hành, tháo gỡ phù hợp.
"Hiện nay, tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP.HCM đã được cải thiện rất rõ ràng. Ngày hôm qua có 7 cây xăng xin phép sửa chữa, 5 cửa hàng còn thiếu xăng trong hoạt động kinh doanh", ông Hoàng Vũ thông tin.
Liên quan vấn đề chi phí, điều hành logistics trên địa bàn, ông Vũ cho biết Sở Công Thương đang tiến hành nhiều giải pháp đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực; tạo điều kiện cộng đồng doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số.
Theo ghi nhận, hiện TP.HCM có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động logistics. Về hình thành trung tâm logistics chuyên nghiệp, Sở đã tham mưu UBND TP.HCM các bước thực hiện. Nhóm đầu tiên tại TP.HCM là trung tâm logistics khu công nghệ cao đã đi đến bước thứ 8. Hy vọng năm 2023, TP có trung tâm đầu tiên và những năm tiếp theo, TP Thủ Đức sẽ có những trung tâm mới.
Về liên kết vùng, đây là nhiệm vụ quan trọng của TP và các tỉnh. Doanh thu logistics TP chiếm 8,8% GRDP, chi phí logistics của TP cũng thuộc nhóm quốc gia có chi phí lớn. “Chi phí dù có giảm nhưng chưa đạt mục tiêu đề án TP đặt ra”, ông Vũ nói.
Giá lương thực tăng dịp Tết
Về hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, ông Hoàng Vũ cho biết TP.HCM có khoảng gần 12 triệu người dân làm việc và sinh sống. Bình thường, nhu cầu hoạt động chuỗi cung ứng hàng hóa cho thành phố lớn, dịp Tết tăng 15-30%. Với kinh nghiệm nhiều năm, Sở Công Thương đã chỉ đạo chuẩn bị hàng hóa trong điều kiện thích ứng an toàn.
Nguồn hàng được đưa về TP.HCM qua nhiều kênh, trong đó có 2 nhóm chính: trung tâm siêu thị chiếm 25-30%, kênh còn lại qua các vưạ, chợ đầu mối chiếm 70%. Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo Sở Công Thương chuẩn bị, đảm bảo nguồn vốn cho doanh nghiệp để có thể cung ứng hàng hóa.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định nguồn hàng Tết dồi dào, không để xảy ra tình trạng thiếu cục bộ.
"34.000 tấn hàng hóa phục vụ cho dân trong dịp Tết, nguồn hàng Tết năm nay dồi dào. Tuy nhiên, về giá cả các loại hàng hóa, hiện nay nhóm lương thực có tăng. Mức tăng 2-4%, chưa phải điều chỉnh giá bình ổn", Giám đốc Sở Công Thương nói.